Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chia sẻ bài học đứng lên sau thất bại

NDO - Chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture - Giáo sư Daniel Joshua Drucker cho hay, ông từng thất bại nhiều lần trong phòng thí nghiệm, rơi vào trầm cảm, từng định bỏ sự nghiệp nghiên cứu. "Đệm đỡ" khi ông vấp ngã, đó chính là biết cân bằng cuộc sống cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhân giải VinFuture 2023 tại buổi giao lưu đối thoại sau lễ trao giải.
Chủ nhân giải VinFuture 2023 tại buổi giao lưu đối thoại sau lễ trao giải.

Ngày 21/12, các chủ nhân giải VinFuture 2023 đã có cuộc đối thoại giao lưu với các nhà khoa học trong và ngoài nước và nhiều sinh viên Việt Nam. Nhiều lời khuyên của các bộ óc khoa học vĩ đại thế giới đã giúp cho nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam được mở rộng tầm nhìn và có thêm quyết tâm để theo đuổi ngành khoa học.

Thất bại là việc thường tình trong khoa học

Giáo sư Daniel Joshua Drucker tự nhận mình là người "thất bại rất giỏi" bởi trong suốt những năm tháng đầu tiên khi lựa chọn sự nghiệp nghiên cứu sau khi rời trường y là sự thất bại liên tiếp.

"Trước đó, tôi chưa làm dự án nghiên cứu nào hết, cũng chưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên khi vào phòng lab tôi thậm chí còn không biết làm gì cả. Phần lớn thí nghiệm của tôi không cho ra kết quả. Ngày nào về nhà cũng thấy trầm cảm, chán nản, chỉ muốn quay lại học. Nhiều đồng nghiệp cũng bảo: "Hay tôi về bệnh viện làm bác sĩ đi", giáo sư bày tỏ.

Vừa nhận giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, Giáo sư Daniel Joshua Drucker khuyên các nhà khoa học trẻ Việt Nam rằng: Thất bại trong khoa học là thường tình, kể cả là với nhà khoa học vĩ đại, nên hãy vững tin quyết tâm. Mỗi người đều có cuộc sống cá nhân để khi về nhà có thể gác lại công việc, chơi với thú cưng, sum họp gia đình. Để giải tỏa những buồn bã, thất bại ấy, ta phải có cuộc sống riêng của mình. Đó là đệm đỡ khi ta vấp ngã.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chia sẻ bài học đứng lên sau thất bại ảnh 1

Giáo sư Daniel Joshua Drucker.

Khi được hỏi về những khó khăn của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đang gặp phải là lương thấp và thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu, Giáo sư Daniel Joshua Drucker cho hay, đây là vấn đề nhiều người gặp và luôn hy vọng sẽ có sự thay đổi.

"Nhiều người nói về việc, ta cần thay đổi mức lương dành cho nghiên cứu sinh. Trong hàng trăm năm, ta đều phản ánh sinh viên nghiên cứu sinh làm việc nhiều giờ đồng hồ mà trả công không xứng đáng. Vậy nên, hồi tôi còn trẻ cũng gặp vấn đề đó. Hy vọng tới thế hệ này có thể thay đổi giúp ngành nghiên cứu hấp dẫn hơn trong tương lai", Giáo sư nói.

Ông cũng cho rằng, các bạn trẻ hiện khó để tìm ra ngay được cơ quan, nơi nghiên cứu phù hợp. Hãy nhìn vào người đi trước đã thành công để kết nối, tìm hiểu thông tin tìm được môi trường làm việc lý tưởng.

Với Phó Giáo sư Svetlana Mojsov - Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, thì trong nghiên cứu khoa học không tránh khỏi thất bại. Nếu muốn giải quyết, chúng ta phải tìm ra vấn đề và đam mê nhiệt huyết làm tiếp. Thất bại cũng phải làm tiếp, đừng nản lòng.

Kinh nghiệm của bà là mỗi người cần phải làm tốt vai trò của bản thân, nhưng cũng phải làm việc có nhóm để cùng đóng góp kiến thức vào một công trình.

Là nhà khoa học nữ khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal, chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nữ - Giáo sư Susan Solomon cho hay, phương thức giúp bà vượt qua được những khó khăn khi bị chê bai đó là luôn luôn cố gắng, bình tĩnh và còn giữ được khiếu hài hước.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chia sẻ bài học đứng lên sau thất bại ảnh 2

Các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm.

Thay vì giận dữ làm cho tình huống tồi tệ hơn thì bà luôn bảo với các sinh viên của mình, đặc biệt là các sinh viên mong muốn trở thành những nhà khoa học nữ, rằng các bạn có thể đùa về tình huống đó và cố gắng là làm giảm độ nghiêm trọng, không cần phải quan trọng hóa những câu nói như thế.

"Bài học mà tôi rút ra được là mình có thể lắng nghe những quan điểm của người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nên dựa vào quan điểm của họ, đôi lúc mình cũng phải lắng nghe chính mình, phải kiên định với chính bản thân mình. Một lời khuyên nữa đó là nếu chúng ta trao đổi lĩnh vực khoa học, nếu chúng ta là nhà khoa học thì chúng ta không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình ở trong một ranh giới hạn hữu mà luôn phải vượt qua ranh giới đó, luôn luôn phải suy nghĩ một cách cởi mở và thoáng hơn", Giáo sư bày tỏ.

Hãy nghiên cứu những vấn đề nội tại của đất nước mình

Tại buổi giao lưu đối thoại, Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải VinFuture cho hay, Hội đồng giải thưởng đã nhìn ra được giá trị của công trình nghiên cứu của ông chính là nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, xu hướng ở nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam, là các nhà khoa học hay suy nghĩ về quá nhiều chủ điểm để nghiên cứu và cố gắng đưa các bài báo lên tạp chí quốc tế, công bố là xong, mà không có ứng dụng trong thực tế. Điều đó tốn kém về tiền của.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chia sẻ bài học đứng lên sau thất bại ảnh 3

Giáo sư Võ Tòng Xuân dành nhiều lời khuyên cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Do đó, khi ngân sách nghiên cứu còn hạn chế, các nhà khoa học hiện nay nên tìm và xác định vấn đề thực tiễn, vấn đề xã hội ở những địa bàn, khu vực mà gần gũi với chuyên ngành của chúng ta.

"Các nhà khoa học phải thiết kế các giả thiết, thực hiện các thí nghiệm để thử nghiệm giả thiết đưa ra. Từ đó kết quả mới được ứng dụng bởi chính con người ta quan tâm thay vì chỉ làm nên một bài báo, chủ đề hay, nhưng kết quả xong rồi chỉ để trên giá sách hoặc kết quả không chạm tới cuộc sống người dân. Tôi hy vọng các nhà khoa học trẻ đi theo định hướng đó. Các bạn hãy học tập học hỏi, trước hết học tập thật xuất sắc đã", Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Ngày 20/12, Quỹ VinFuture chính thức công bố 4 công trình khoa học được vinh danh năm 2023. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Phát minh sản xuất năng lượng xanh bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion”.

Ba giải Đặc biệt vinh danh các công trình: “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh”, “Khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam cực” và “Khám phá vai trò của GLP-1, nền tảng cho phương pháp điều trị tiểu đường và béo phì”.

4 công trình đạt giải đã xuất sắc vượt qua gần 1.400 đề cử ấn tượng đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây đều là các sáng kiến đột phá, có tác động sâu rộng tới hiện tại và tương lai nhân loại, thuộc các lĩnh vực quan trọng và có tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống của hàng tỷ người trên thế giới gồm Năng lượng xanh và bền vững, Ứng phó với biến đổi khí hậu, Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cùng Y học sức khỏe.

Điểm chung nổi bật của tất cả các công trình là sự kế thừa và kết hợp xuyên biên giới giữa các quốc gia đã và đang phát triển, dựa trên những nền tảng phát minh đột phá của hàng loạt các sáng kiến. Từ đó, tạo nên những công nghệ toàn diện có tầm ảnh hưởng toàn cầu, góp phần chung sức xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại.