Tham dự có các đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia kinh tế cùng gần 300 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp thương hiệu mạnh Việt Nam.
Phiên thảo luận của Diễn đàn với cách tiếp cận trao đổi trên cơ sở thực tiễn hoạt động triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới tại các khu vực doanh nghiệp, từ đó, nhận định, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của từng mô hình cũng như tính tác động đồng thời của các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội của quốc gia nói chung.
Tham gia Phiên thảo luận có đại diện các mô hình kinh tế mới, bao gồm: Tập đoàn FPT (mô hình kinh tế số), VinFast (kinh tế số - kinh tế xanh), Grab Việt Nam (mô hình kinh tế chia sẻ), Momo (mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ), Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (mô hình kinh tế tuần hoàn); cùng tổ chức tín dụng, ngân hàng (HSBC) đơn vị cung ứng nguồn vốn xanh cho các mô hình kinh tế mới thúc đẩy phát triển bền vững, và Deloitte Việt Nam (tư vấn quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững). Tham gia đối thoại trong Phiên thảo luận có đại diện các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp tiêu biểu.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển kinh tế 2020-2030, Đảng ta xác định đổi mới tư duy hành động theo hướng chủ động nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với quá trình hội nhập quốc tế.
Nhiều mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ…đã được các Nghị quyết, Kết luận của Đảng xác định rõ nội dung, nhiệm vụ. Chính phủ cũng đã có các đề án triển khai. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Với những kết quả từ thực tiễn, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đã góp nhiều ý kiến giúp việc bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới phát triển đúng hướng, hiệu quả.
Sau khi kết thúc Diễn đàn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times đã tổ chức sự kiện kỷ niệm 20 năm Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2023), công bố và vinh danh các Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023.
Theo đó, TOP 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2023 công bố và vinh danh các thương hiệu: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam); Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Masan; Tập đoàn Trường Hải; Tập đoàn FPT.
Nhân kỷ niệm 20 năm chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam, Ban tổ chức cũng vinh danh 05 doanh nhân xuất sắc với các dấu ấn thành công nổi bật gồm: Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam; Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu.