Nhóm G7 kêu gọi OPEC hành động có trách nhiệm với thị trường

NDO -

Các bộ trưởng Nhóm các nước công nhiệp phát triển (G7) ngày 27/5 đã kêu gọi Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hành động có trách nhiệm nhằm xoa dịu “cơn khát” năng lượng toàn cầu.

Một cơ sở khai thác dầu thô của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu thô của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong cam kết được đưa ra sau Hội nghị G7 ở Berlin, các bộ trưởng năng lượng nhấn mạnh G7 đang phải vật lộn với các biện pháp kiềm chế lạm phát và giá năng lượng tăng cao, trong khi vẫn giữ nguyên các mục tiêu bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cho tới nay, OPEC và các đối tác (OPEC+) vẫn bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây đề nghị tăng sản lượng khai thác để hạ giá dầu mỏ đang ở mức leo thang.

Tuyên bố của G7 kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hành động một cách có trách nhiệm để ứng phó tình trạng căng thẳng ở các thị trường quốc tế, nhấn mạnh rằng OPEC đóng vai trò trung tâm trong tiến trình này.

Các nước G7 sẽ phối hợp cùng OPEC và các đối tác để đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu ổn định và bền vững. G7 cũng nhấn mạnh sẽ không để cuộc khủng hoảng năng lượng làm chệch hướng nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, G7 lần đầu tiên cam kết loại bỏ dần nguồn năng lượng từ than đá, dù không đưa ra thời điểm thực hiện cụ thể. Theo các nguồn thạo tin, Nhật Bản và Mỹ phản đối thời điểm nêu trong dự thảo ban đầu là năm 2030.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên G7 đều cam kết loại bỏ carbon trong sản xuất điện tới năm 2035, chấm dứt tài trợ cho các dự án vào cuối năm 2022, trừ một số trường hợp ngoại lệ; tới năm 2030 sẽ không còn carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng như tăng đáng kể mức độ sử dụng xe ô-tô không phát thải.

Ngoài ra, G7 cũng cam kết ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025, cũng như chấm dứt tài trợ cho các dự án khí đốt, dầu mỏ và than đá trong năm nay. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, G7 muốn OPEC bơm thêm dầu ra thị trường.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman hôm 23/5 nhấn mạnh OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu, song cũng nhấn mạnh OPEC+ cần độc lập với vấn đề chính trị.

OPEC+, trong đó có Nga, đã đạt được thỏa thuận về hạn ngạch năm 2020, theo đó, các nước thành viên tăng tổng sản lượng mỗi tháng với số lượng khiêm tốn 430.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022.