Các khối ngành nông nghiệp chưa hấp dẫn học sinh, sinh viên

NDO - Trong thời gian qua, công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành nông lâm ngư nghiệp đang phải chứng kiến suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân đó là do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thủy sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành nông lâm ngư nghiệp đang phải chứng kiến suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học.
Công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực ngành nông lâm ngư nghiệp đang phải chứng kiến suy giảm nhanh của số lượng học sinh, sinh viên theo học.

Một số ngành học không có sinh viên theo học

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng. Đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đạo tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng và 122 ngành trung cấp.

Trong thời gian qua, bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã cố gắng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên; rà soát, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo, qua đó chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức, như: Tỷ lệ lao động ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 5%; Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015.

Năm 2022, tỷ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm; trong đó, một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.

Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thủy sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường còn tư duy bao cấp, chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động.

Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước.

Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

“Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con, em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước”, ông Ngô Hồng Giang phân tích.

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông lâm ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.

Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hằng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở.