Các hoạt động văn hóa phải tham gia xây dựng con người Thanh Hóa

NDO - Sáng 25/12, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổng kết công tác năm 2024; khen thưởng 47 tập thể, 51 cá nhân ở các huyện, thị xã, thành phố và 35 tập thể ngoài ngành có thành tích xuất sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị.

Năm 2024, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tham mưu cho tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định 11 hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích; đồ án Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu; phê duyệt chủ trương khai quật khảo cổ toàn diện Đàn tế Nam Giao-Tây Đô thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; đưa 4 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia; đề cử và xác định tiêu chí xây dựng hồ sơ di sản đề cử UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới đối với hang Con Moong.

Thanh Hóa tích cực chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, làm rõ công năng sử dụng tả vu, hữu vu và nhân vật thờ tại các tòa miếu 1, 2, 8, 9 thuộc Di tích Lam Kinh làm cơ sở thực hiện dự án tu bổ, phục hồi tôn tạo; tổ chức thành công Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Các hoạt động văn hóa phải tham gia xây dựng con người Thanh Hóa ảnh 2

Chủ tọa điều hành hội nghị.

Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa còn tham mưu triển khai Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tổ chức tập huấn bảo tồn giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại Mường Lát, Như Thanh; sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và triển khai số hóa, tư liệu, bản đồ hóa di sản văn hóa tại Lang Chánh, Ngọc Lặc; tuyên truyền, giới thiệu văn hóa dân tộc Thái tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; triển khai đề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn trang phục truyền thống cho đồng bào Dao ở xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc.

Các hoạt động văn hóa phải tham gia xây dựng con người Thanh Hóa ảnh 3

Các văn nghệ sĩ tái hiện hình ảnh đón đồng bào miền nam tập kết ra bắc năm 1954 tại Cảng Hới, thành phố Sầm Sơn.

Ngoài tổ chức 145 sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch, Thanh Hóa phối hợp tổ chức thành công các chương trình, sự kiện: Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên-Thanh Hóa; kết nối truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên; chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ học sinh miền nam tập kết ra bắc.

Thư viện tỉnh tổ chức 16 cuộc trưng bày triển lãm sách chuyên đề nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, tăng cường luân chuyển, đưa sách về cơ sở, đối tượng; cùng Bảo tàng tỉnh, các nhà trường, nhóm gia đình tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, với các chủ đề: Thanh Hóa thời tiền sử-hành trình từ hang động xuống đồng bằng; Văn hóa Đông Sơn và câu chuyện Trống đồng; Hậu phương Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên Phủ, câu chuyện về anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo, Kim Đồng - người thiếu niên dũng cảm; Võ Thị Sáu - người nữ anh hùng trên quê hương Đất Đỏ; Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc - tấm gương hy sinh quên mình cứu các em nhỏ,... Sưu tầm, phục chế tư liệu, tài liệu, hiện vật, kỷ vật; xây dựng, cử cán bộ thuyết minh "Không gian trưng bày tư liệu, tài liệu, hiện vật về đồng bào miền nam tập kết ra bắc" tại thành phố Sầm Sơn.

Các hoạt động văn hóa phải tham gia xây dựng con người Thanh Hóa ảnh 4

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong tỉnh Thanh Hóa ước có 83% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, 82,3% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa. Đây là những yếu tố, nhân tố quan trọng trong xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, bồi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, thể chất, nhân cách cho mỗi cá nhân, góp phần tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.