Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ; Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Sau phần tế lễ theo nghi thức thời Hậu Lê, dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vị khai quốc công thần, nghĩa sĩ Lam Sơn, hoàng thân, quốc thích triều Lê và đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trình bày diễn văn nêu rõ hoàn cảnh ra đời của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khẳng định: Với lòng yêu nước thương dân, khát vọng giành độc lập dân tộc, Lê Lợi cùng các anh hùng hào kiệt đã gánh lấy sứ mệnh lịch sử, dấy binh khởi nghĩa. Vượt qua nhiều gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng quy mô lớn, phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, quy tụ sức mạnh toàn dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lại nền độc lập cho dân tộc; lập nên vương triều Hậu Lê thịnh trị, kéo dài hơn 360 năm. Lam Kinh là nơi an táng, thờ cúng, tri ân các vị vua và hoàng hậu triều Lê.
Đây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình cùng toàn bộ các bia ký, lăng mộ, minh chứng bước phát triển rực rỡ của nền kiến trúc nước nhà.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích Lam Kinh là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Phát huy hào khí Lam Sơn, đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và đang vững bước đi lên trong thời kỳ CNH-HĐH quê hương, đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu bật bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, yêu nước, cách mạng của quê hương "địa linh, nhân kiệt", nhất là những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hoá qua các thời kỳ cách mạng và nhấn mạnh: Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích Lam Kinh là tài sản vô giá của dân tộc. Di tích lịch sử- kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào, đồng thời đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa trọng trách lớn trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích. Cùng với việc kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt dự án phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp đó là phần hội tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; những giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật của khu di tích Lam Kinh; sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ của hào khí Lam Sơn cùng những thành tựu của đảng bộ, nhân dân Thanh Hoá trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Trước đó, tại các khu di tích vệ tinh như đền nhà Lê, tượng đài Lê Lợi ở TP Thanh Hoá, đền thờ Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, nhất là tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đã diễn ra các hoạt động dâng hương, lễ hội truyền thống.
Cũng trong dịp này, tỉnh Thanh Hoá còn tổ chức hội trại giữa các làng văn hoá, giao lưu trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trưng bày, giới thiệu các công trình kiến trúc thời Lê, nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật ở Lam Kinh, quảng bá du lịch xứ Thanh, tổ chức dịch vụ lữ hành kết nối đến di sản thế giới Thành nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, du lịch biển Sầm Sơn…
Một cảnh trong lễ hội Lam Kinh 2013.