Các giải pháp duy trì nguồn cung xăng dầu trước tình trạng khan hiếm

Người dân tại một số địa phương phía nam phải xếp hàng mua xăng, dầu, trong khi các cửa hàng xăng, dầu chỉ bán "nhỏ giọt" từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng cho xe máy và 200 nghìn đồng đối với ô-tô do đứt gãy nguồn cung, không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn làm xáo trộn thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Cửa hàng xăng, dầu Linh Xuân tại quốc lộ 1K, khu phố 5, phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm nghỉ bán ngày 10/10. (Ảnh CAO TÂN)
Cửa hàng xăng, dầu Linh Xuân tại quốc lộ 1K, khu phố 5, phường Linh Xuân, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm nghỉ bán ngày 10/10. (Ảnh CAO TÂN)

Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, mức chiết khấu thấp khiến cửa hàng càng kinh doanh càng thua lỗ. Không chỉ vậy, nguồn cung xăng, dầu thường xuyên bị đứt gãy. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sẽ bị xử phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh.

Xếp hàng dài mua xăng, dầu

Khảo sát của phóng viên Báo Nhân Dân trong ngày 10/10 cho thấy, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng khan hiếm xăng, dầu xảy ra chủ yếu tại các quận: 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức,... Đại diện một số cửa hàng tư nhân cho biết, không có hàng để bán do chưa đặt được hàng hoặc nguồn hàng chưa về kịp cho nên phải bán cầm chừng và tạm dừng hoạt động. Ngược lại, các cửa hàng xăng, dầu thuộc hệ thống Petrolimex có rất nhiều khách hàng dồn về đổ xăng do các cửa hàng xăng, dầu lân cận tạm nghỉ bán, khiến cảnh chen chúc diễn ra thường xuyên. Nhiều khách hàng phải đợi 20-30 phút mới đổ được xăng.

Tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nhiều cây xăng lớn nằm ở vị trí trung tâm trên đường Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Giáp, Đồng Khởi,... chỉ bán tối đa 30 nghìn đồng cho xe máy và 200 nghìn đồng đối với xe ô-tô. Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tín Nghĩa (doanh nghiệp có 45 trạm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) cho biết, mặc dù đã dự trữ một lượng lớn xăng, dầu để bán đến hết ngày 10/10 nhưng mấy ngày nay, số khách hàng đến mua tăng gấp bốn lần so với trước khiến một số cửa hàng hết xăng. Với nhu cầu tiêu thụ thực của đơn vị, mỗi ngày bán khoảng 670 nghìn lít xăng, dầu nhưng thương nhân phân phối chỉ cung cấp 150 nghìn lít xăng và 100 nghìn lít dầu khiến hàng thiếu trầm trọng. Để giải quyết tình trạng này, ngay chiều 10/10, doanh nghiệp nhập hơn 100 nghìn lít xăng để cung ứng cho các cửa hàng.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, địa bàn hiện có một thương nhân đầu mối, bảy thương nhân phân phối và 415 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động. Từ ngày 5 đến 10/10, tình hình cung ứng xăng, dầu có nhiều biến động, dẫn đến không đủ cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, chiết khấu hoa hồng thấp, cùng với các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển không được tính vào giá bán gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều cửa hàng kinh doanh treo biển hết xăng, tạm ngưng chờ nhập hàng hoặc bán cầm chừng, khống chế bán số lượng mỗi xe. năm ngày gần đây, toàn tỉnh có hơn 130 cửa hàng thông báo hết xăng, dầu hoặc hết xăng, chỉ bán dầu. Theo dự báo, ngày 11/10 là thời điểm điều chỉnh giá tiếp theo nhưng nguồn hàng vẫn khó bảo đảm. Do đó, Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối tìm kiếm nguồn cung.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, thành phố hiện có ba trong tổng số 550 cửa hàng xăng, dầu đăng ký tạm dừng kinh doanh do đang sửa chữa, 121 cửa hàng tạm thời hết xăng hoặc kinh doanh "nhỏ giọt"; một số cửa hàng chỉ bán cho người dân mức 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/xe máy hoặc duy trì 1-2 trạm bơm do không có hàng để bán. Số cửa hàng tạm nghỉ bán chiếm khoảng 20% tổng số cửa hàng trên địa bàn thành phố. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, không phải doanh nghiệp chuỗi cho nên gặp khó khăn về nguồn lực, không có lợi thế đàm phán nguồn cung. Về khách quan, tình hình cung ứng xăng, dầu tồn tại một số khó khăn liên quan đàm phán hợp đồng nhập khẩu, công tác vận chuyển xăng, dầu bị gián đoạn do ảnh hưởng của bão Noru...

Tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu hoạt động bình thường. Tuy nhiên thời gian gần đây, mức chiết khấu, "hoa hồng" thấp đã khiến nhiều cửa hàng xăng, dầu cắt giảm nhân công, mỗi ca bán hàng chỉ duy trì từ hai đến ba người, cho nên người dân phải xếp hàng dài đợi đến lượt. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh cho biết, chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu hiện rất thấp, có thời điểm mức chiết khấu bằng 0 đồng và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu như vậy, cửa hàng càng bán càng lỗ, thu không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển, bảo quản kho bể, tiền lương lao động,... Mức chiết khấu phải từ 1.500 đồng đến 1.650 đồng/lít xăng và 1.430 đồng đến 1.555 đồng/lít dầu mới có thể giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Sớm ổn định thị trường xăng, dầu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2022, sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm 35% đối với dầu so quý II, trong đó, chỉ có 19 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu nhập khẩu. Một số thương nhân đầu mối nhập khẩu với số lượng lớn xăng, dầu vào các quý trước nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III. Cùng với mức chiết khấu quá thấp, đây là những nguyên nhân gây thiếu hàng tại một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, nhất là trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến khó lường hiện nay.

Sau khi xảy ra thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía nam, ngày 9/10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã có công văn yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng, dầu ở tất cả loại hình, đồng thời, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung ứng xăng, dầu trên địa bàn; chủ trì, phối hợp các sở Công thương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu dừng hoạt động, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm ở tất cả loại hình kinh doanh xăng, dầu theo quy định.

Trước đó, Bộ Công thương cũng có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của doanh nghiệp.

Bộ đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng, dầu một cách hợp lý. Liên bộ Công thương-Tài chính cũng đã phối hợp rà soát và thống nhất điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng, dầu từ nhà máy về cảng và mức Premium (định mức chi hoa hồng tính trên đơn vị lít cho doanh nghiệp đầu mối, trên cơ sở đó, doanh nghiệp đầu mối sẽ tính phần hoa hồng cho doanh nghiệp bán lẻ) trong giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu vào kỳ điều hành ngày 11/10 nhằm bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối, giảm tác động vào giá xăng, dầu cũng như tác động xấu tới kiểm soát lạm phát.

Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm nguồn cung xăng, dầu từ nay đến cuối năm. Với công suất của hai nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất trong quý IV, dự kiến sản xuất khoảng 4,4 triệu m3, đáp ứng khoảng 80% tổng nhu cầu. Số lượng thiếu hụt còn lại, Bộ đã giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp đầu mối nhập bổ sung, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mặt khác, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đang chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung. Cụ thể, Petrolimex đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước cam kết cung ứng đủ sản lượng theo hợp đồng đã ký. Đối với nguồn nhập khẩu, Petrolimex tích cực tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ; liên tục nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến của thị trường để linh hoạt xử lý, kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn hàng trong mọi tình huống. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho các cửa hàng xăng, dầu trực thuộc và nhượng quyền trên khắp cả nước. Để ổn định thị trường, Liên bộ Công thương-Tài chính cần sớm nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng, dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí, đồng thời, tính toán lại chi phí định mức và các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động...

Việt Nam hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối (trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp), chưa kể có khoảng 500 doanh nghiệp phân phối. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy linh hoạt, hiệu quả và giảm được chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng, dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là vấn đề đang được Bộ Tài chính trao đổi, phối hợp Bộ Công thương để tìm giải pháp quản lý có hiệu quả và bảo đảm nguồn cung xăng, dầu.

Bộ trưởng Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC