Các doanh nghiệp gỗ nhanh chóng phục hồi sản xuất

NDO -

Cùng các chính sách về thu hút lao động trở lại làm việc, huy động nguồn lực tài chính, chủ động về nguyên, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao, các doanh nghiệp ngành gỗ đang khẩn trương bắt tay vào xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, trong bối cảnh "bình thường mới"… 

Chế biến gỗ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Vũ Thịnh (Bắc Giang). (Ảnh: Vũ Sinh)
Chế biến gỗ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Vũ Thịnh (Bắc Giang). (Ảnh: Vũ Sinh)

Sáng 29/10, tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới”, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập cho biết, đến thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng, chống dịch từ chiến lược “Zero Covid” ở giai đoạn đầu sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có mục tiêu “bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội”. Đây thật sự là một tín hiệu vui, hữu ích cho toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành Gỗ.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt từ đầu quý ba vừa qua. Các tỉnh đông Nam Bộ như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh - trung tâm chế biến gỗ của cả nước cũng chính là nơi dịch bùng phát mạnh nhất. Do đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021 tăng so cùng kỳ năm 2020, nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của 2021 mang lại. Kể từ tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu bắt đầu giảm mạnh và đà giảm tiếp tục đến hết tháng 9 vừa qua. Đà giảm này thấy ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, ghế ngồi và gỗ dán (trừ dăm gỗ và ván bóc là hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đi Trung Quốc, hiện đang tiếp tục tăng). Mức suy giảm trong xuất khẩu trong những tháng gần đây thấy ở hầu hết các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Hàn Quốc, Anh và Canada, với mức giảm khoảng trên dưới 20% hằng tháng.

Theo các chủ doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, hiện đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng đang rất dồi dào. Cùng các chính sách về thu hút lao động trở lại làm việc, huy động nguồn lực tài chính, sự chủ động về nguyên, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao, các doanh nghiệp đã xây dựng các phương án tổ chức sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới".

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả đi đôi với nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, áp dụng chủ động các phương án sản xuất tối ưu như, tinh giản bộ máy, giảm chi phí cố định; đầu tư máy móc, giảm phụ thuộc vào lao động, có chính sách tốt để thu hút người lao động. Hiện tại, đã có hơn 67% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động với hơn 70% công suất; khoảng 13% doanh nghiệp hoạt động từ 50% công suất trở xuống và 20% doanh nghiệp hoạt động từ 50-70% công suất. Các mô hình hoạt động chính của doanh nghiệp là “3 tại chỗ” chiếm 24%; “2 cung đường, 1 điểm đến” chiếm 19% và mô hình khác chiếm áp đảo với 56%. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đặt ra lúc này đối với các doanh nghiệp còn nhiều, trong đó vấn đề thiếu người lao động đang là bài toán khó giải quyết nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh, mặc dù gặp khó khăn trong xuất khẩu trong quý III, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, xuất khẩu ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt. Với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành cả năm vượt 14 tỷ USD là khả quan. Những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để cùng các doanh nghiệp ngành Gỗ vượt khó đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng khẳng định, đến nay về cơ bản dịch bệnh tại các địa phương, nhất là tại khu vực Đông Nam Bộ đã được kiểm soát. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hy vọng các địa phương, doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi sản xuất hiệu quả để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép