Các điểm du lịch tâm linh tại Tuyên Quang hút khách du lịch đầu xuân

NDO - Sau 2 năm du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, cùng với những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhiều điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh ngay trong những ngày đầu xuân mới.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan, vãn cảnh tại Thiền viện Trúc lâm chính pháp, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang.
Du khách tham quan, vãn cảnh tại Thiền viện Trúc lâm chính pháp, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang.

Dịp đầu xuân năm mới Quý Mão 2023, mỗi ngày Thiền viện Trúc lâm chính pháp tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang đón hàng nghìn lượt du khách thập phương tới tham quan, lễ phật. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Tuyên Quang ngay trong những ngày đầu năm mới. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chỉ trong nửa đầu tháng Giêng, cả tỉnh đã đón hơn 88.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 92 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, du khách đến từ Hà Nội cho biết, đầu xuân tôi cùng gia đình, bạn bè thường đi lễ chùa để cầu may, mong muốn một năm mới dồi dào sức khỏe, mọi điều tốt lành đến với gia đình và tất cả mọi người. Tôi thấy các khu du lịch tâm linh, các đền chùa tại Tuyên Quang rất đẹp, mọi người đi lễ rất đông và đặc biệt là khâu tổ chức của các khu du lịch tâm linh ở Tuyên Quang rất tốt. Du khách đến với các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên mà còn là cơ hội để tìm hiểu về truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người Tuyên Quang.

Các điểm du lịch tâm linh tại Tuyên Quang hút khách du lịch đầu xuân ảnh 1

Du khách dâng hương tại chùa An Vinh, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang.

Còn chị Vũ Hà, du khách đến từ Hải Dương cho rằng, tuy các đền, chùa ở đây không lớn, nhưng khi đến đây thì tôi cảm thấy rất là thoải mái, thư thái, an ninh an toàn, vì vậy năm nào tôi cũng hướng phật và đi lễ ở Tuyên Quang.

Tuyên Quang có rất nhiều ngôi đền, chùa lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia và nổi tiếng khắp cả nước như: Đền Hạ nơi phát tích của Mẫu Thoải, tức Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Đền Hạ Tuyên Quang là khởi nguồn của Đền Dùm (Đền Thượng) và Đền Ỷ La. Đây là một cụm đền thờ Mẫu Thoải có chung một nguồn gốc. Đền Cảnh Xanh thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn (Lâm cung Thánh Mẫu) mà nhân dân thường gọi là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản miền rừng núi và ngàn cây. Nơi con người bày tỏ niềm tôn kính với Thánh Mẫu Thượng ngàn và thể hiện ước vọng cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt của con người vùng sơn cước.

Thượng tọa Thích Thanh Phúc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 25 ngôi chùa hiện đang hoạt động. Để bảo đảm an toàn cho du khách gần xa đi lễ đầu năm, Ban trị sự cũng đã triển khai đến các cơ sở thờ tự phật giáo phối hợp với chính quyền địa phương lên các phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy, nổ. Khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã. Không lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh khác. Tuyên truyền đến người dân, phật tử chủ động nâng cao cảnh giác, bảo quản tài sản cá nhân. Trong những năm qua, chưa ghi nhận tình trạng hỗn loạn, mất cắp tài sản của du khách khi đến vãn cảnh, tham quan, chiêm bái tại các cơ sở thờ tự phật giáo trên địa bàn.

Các điểm du lịch tâm linh tại Tuyên Quang hút khách du lịch đầu xuân ảnh 2

Du khách chiêm bái tại chùa Hang, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch đa dạng với nhiều loại hình như du lịch lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, và đặc biệt là du lịch tâm linh... Tỉnh đang tích cực xây dựng những tour, tuyến, để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, vừa góp phần bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan di sản.

Tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt đề án phát triển du lịch tâm linh giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu chung là đưa du lịch tâm linh từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh vùng trung du và miền núi phía bắc; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh thái, cộng đồng.

Bên cạnh đó, gắn liền với việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Tuyên Quang; giải quyết việc làm, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Tỉnh Tuyên Quang đã xác định phát triển du lịch là một trong các khâu đột phá của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.