Các địa phương chủ động ứng phó bão số 5

NDO -

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông báo kêu gọi hơn 550 tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang đánh bắt trên vùng biển nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 5.

Hàng trăm tàu thuyền đã di chuyển vào khu trú ẩn.
Hàng trăm tàu thuyền đã di chuyển vào khu trú ẩn.

Tính đến chiều nay (16-9), tỉnh Quảng Nam có 553 tàu cá, với 5.684 lao động đang hoạt động trên vùng biển. Trong đó, có 260 tàu đánh bắt xa bờ, với 4.336 lao động hoạt động ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa và 293 tàu, với 1.348 lao động hoạt động ở vùng biển gần bờ biển. 
Hiện thuyền trưởng tất cả các tàu cá này đã nhận được các thông báo về diễn biến của bão và đang khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đã có công điện đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão số 5 để chủ động di chuyển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 5 để kịp thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa vụ hè thu năm; kiểm tra, rà soát các khu vực ở vùng trũng, sạt lở….để sẵn sàng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.

Mặt khác, đề nghị các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi tổ chức trực ban, kiểm tra quan trắc đập và có phương án bảo đảm an toàn công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện; nhất là các hồ, đập đang trong quá trình thi công.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần linh hoạt điều chỉnh phương án ứng phó với thiên tai phù hợp theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện công điện của tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phát các bản tin về diễn biến của bão số 5 để các phương tiện tàu cá chủ động phòng tránh, di chuyển; lưu ý các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thống kê, kiểm đếm số người, tàu thuyền, đặc biệt là tàu cá xa bờ; đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia trực chiến, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Các địa phương chủ động ứng phó bão số 5 -0 Tỉnh Phú Yên có 4.096 tàu cá với hơn 20.000 lao động nghề biển.

* Ứng phó với bão số 5, chiều 16-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương triển khai các phương án khẩn cấp.

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đài thông tin duyên hải Phú Yên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo, hướng dẫn các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng tránh bão, trong đó chú trọng bảo đảm an toàn các khu nuôi trồng thủy sản, kiểm tra có biện pháp bảo vệ các tuyến đê, kè xung yếu hoặc đang thi công dở dang, thu hoạch nhanh diện tích lúa vụ hè thu năm 2020; kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngập lụt, chia cắt để chủ động sẵn sàng phương án di dời sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương duy trì lực lượng 24/24, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xãy ra.

​Tỉnh Phú Yên có 4.096 tàu cá với hơn 20.000 lao động nghề biển, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện có 205 tàu cá với 1.128 lao động của tỉnh đang hoạt động xa bờ, 200 tàu cá với 1.184 lao động hoạt động khu vực gần bờ. Tất cả các tàu cá đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, giữ liên lạc với bộ đội biên phòng các địa phương và gia đình. 

* Chiều 16-9, tại TP Huế, Đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ban ngành liên quan về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác, có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và chính quyền các địa phương theo hình thức trực tuyến.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển trong tỉnh thông báo và kêu gọi 176 phương tiện tàu thuyền với 1.350 lao động trên địa bàn đang hoạt động trên biển biết diễn biến của ATNĐ mạnh lên thành bão, qua đó nhằm để chủ động vào bờ trú bão an toàn.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá.

Hiện, trên địa bàn có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như cảng cá Thuận An, cảng cá Tư Hiền, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền.

Đối với mực nước các hồ thủy điện lúc 7 giờ ngày 16-9, hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và bảo đảm an toàn, sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ. Các hồ chứa thủy lợi thủy điện lớn gồm Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới đã truyền hình ảnh camera về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa nhất là trong thời kỳ mưa lũ.

Sở Công thương đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 thùng nước đóng chai, 2,2 triệu lít xăng, 2,3 triệu lít dầu diezen, 30 ngàn lít dầu hỏa, 70 tấn tôn lợp, 2,5 tấn đinh vít, 2,5 tấn dây thép. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm bảo đảm bảy ngày khi có thiên tai xảy ra.

Thừa Thiên Huế sẵn sàng các phương án ứng phó với cơn bão số 5 -0
 Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão số 5 của tỉnh Thừa Thiên Huế và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16-9-2020 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ; tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hỗ trợ người dân di dời, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; chằng chống nhà cửa cũng như sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân.

Chỉ đạo công tác tổ chức triển khai phòng, chống lụt bão tại các địa phương trong những ngày tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, dự báo bão sẽ đổ bộ khoảng trưa ngày 18-9, tuy nhiên, từ chiều mai (17-9) trên biển đông đã có mưa to, gió lớn. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị chính quyền các địa phương cần duy trì chế độ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến bão số 5 đến người dân; tiến hành kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn; bố trí lực lượng trực bão lụt, nhất là có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với mưa to, gió lớn trong thời gian ngắn, đặc biệt là sạt lở. Đồng thời, hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn ngay từ ngay mai.