Cả nước rộn ràng vui Xuân mới

Thời tiết đẹp, lòng người phấn khởi, cảnh sắc tươi vui, đón Xuân đầm ấm, đủ đầy, an toàn với những màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời là không khí chung những ngày qua trên khắp các địa phương cả nước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Thủ đô Hà Nội du Xuân chiều mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh Trần Hải)
Người dân Thủ đô Hà Nội du Xuân chiều mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh Trần Hải)

Những nét văn hóa đẹp truyền thống của người Việt tiếp tục được duy trì, bên cạnh đó xuất hiện những hoạt động văn hóa như "Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long" với 2.024 thiết bị bay kể câu chuyện lịch sử-văn hóa Thủ đô bằng ánh sáng, "Lì xì sách Tết" tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ðường sách mùa Xuân ở nhiều địa phương... như những nét đẹp trong mùa xuân mới, đã thu hút công chúng hào hứng tham gia, hưởng ứng.

Năm nay, thành phố Hà Nội tổ chức "Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long" tại khu vực ngã ba phố Văn Cao (bên hồ Tây, quận Tây Hồ) với màn trình diễn thiết bị bay không người lái ngay trước giờ bắn pháo hoa mừng năm mới. Hàng chục nghìn người đã đổ về các tuyến đường ven hồ Tây. Màn trình diễn ở độ cao 400m so với mặt hồ, cho nên người dân có thể quan sát thuận lợi từ nhiều góc khác nhau.

Ðúng 23 giờ 30 phút ngày 9/2 (30 Tết), 2.024 thiết bị bay lần lượt cất cánh, mang theo thiết bị chiếu sáng, tạo thành một màn trình diễn ánh sáng rực rỡ nhất từ trước tới nay trên bầu trời Hà Nội. Các thiết bị bay đã xếp hình trên không trung "kể chuyện" lịch sử-văn hóa Thủ đô Hà Nội, với các hình ảnh nổi bật như: Vua Lý Thái Tổ và bản Chiếu dời đô, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cầu Long Biên..., trong tiếng reo vui của hàng chục nghìn khán giả.

Như thường lệ, hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đón Giao thừa truyền thống của người Hà Nội, người dân phấn khởi đi dạo, chụp hình với các tiểu cảnh được dựng lên để mừng năm mới Giáp Thìn quanh hồ. Ðúng 0 giờ ngày 10/2 (mồng 1 Tết), tất cả 32 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tung những chùm pháo hoa rực rỡ lên bầu trời trong niềm phấn khởi của nhân dân Thủ đô cũng như nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ngay trong đêm Giao thừa, nhiều di tích lớn trên địa bàn Hà Nội như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc... đã tấp nập người đi lễ. Ngày mồng 1 và mồng 2 Tết Nguyên đán, thời tiết Hà Nội ấm áp, hửng nắng nhẹ, đường phố càng đông vui hơn với các hoạt động đón Tết, vui xuân...

Thời tiết thuận lợi nên nhiều di tích đông nghịt người tham quan, đi lễ. Một trong những địa chỉ thu hút đông khách nhất trong những ngày đầu năm mới là Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tại các di tích như: Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, các di tích thuộc Thăng Long Tứ trấn... nhiều thời điểm khách phải xếp hàng chờ đến lượt vào chiêm bái.

Ngoài những địa điểm vui chơi trong khu vực nội đô, các địa chỉ du lịch ven đô hoặc ngoại thành có lượng khách tăng đột biến như: Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây), Làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (Mỹ Ðức), Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Ðức), khu du lịch Tuần Châu-Quốc Oai (huyện Quốc Oai)... những ngày này đều rất đông khách.

Giao thừa năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 11 điểm bắn pháo hoa; trong đó có hai điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn và khu Ðền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

Như mọi năm, Ðường hoa Nguyễn Huệ vẫn là điểm thu hút đông đảo nhất người dân đến thưởng lãm. Trải dài hơn 600m, Ðường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sử dụng ba gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng của 99 chủng loại hoa như cẩm chướng, phong lữ, thược dược, mào gà, thu hải đường..., hơn 90.000 giỏ hoa các loại... là sự tích hợp những giá trị văn hóa vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại.

Cả nước rộn ràng vui Xuân mới ảnh 1

Người dân TP Hồ Chí Minh du xuân, tham quan đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Giáp Thìn 2024. (Ảnh THẾ ANH)

Kết nối với Ðường hoa, Ðường sách Tết Giáp Thìn 2024 cũng là điểm được nhiều người dân, du khách lựa chọn đến du xuân trong những ngày vừa qua. Ðặc biệt năm nay, chương trình "Lì xì sách Tết" do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Lễ hội Ðường sách với mong muốn truyền tải kiến thức, niềm hân hoan và những kỳ vọng cho một năm mới đầy phấn khởi.

Bên cạnh đó, mùa diễn Tết Giáp Thìn năm nay ghi nhận sự khởi sắc của làng kịch Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 30 vở diễn và lịch diễn dày hơn hẳn so với các năm trước đây.

Ðúng thời khắc Giao thừa, cả thành phố Hải Phòng rực sáng với màn pháo hoa tưng bừng tại trung tâm thành phố cùng 13 điểm bắn pháo hoa tại khắp các quận, huyện như thắp lên bầu trời thành phố Cảng. Hàng nghìn người dân và du khách đã tham dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật "Hải Phòng chào xuân" tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp và trung tâm các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Kiến An, Hải An và các huyện An Dương, Thủy Nguyên...

Sáng mồng 1 Tết, tại huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ đã diễn ra Lễ chào cờ đầu năm mới trang trọng của lãnh đạo, quân và dân huyện đảo thể hiện lòng yêu nước, niềm tin sắt son đối với Ðảng, với Tổ quốc và sự đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng huyện đảo phát triển mạnh mẽ và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại thành phố Ðà Nẵng, tối 30 Tết, lãnh đạo thành phố đã đến chúc Tết, tặng quà động viên các cán bộ, chiến sĩ tại Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Ðà Nẵng và Công an thành phố đang làm nhiệm vụ trong dịp Tết. Tại các đường hoa xuân rất nhiều người dân, du khách mặc trên mình những bộ áo dài nhiều màu sắc hay những bộ đồ mới rực rỡ để chụp ảnh trước những tiểu cảnh, linh vật rồng. 15 phút pháo hoa rực rỡ trên nền trời Ðà Nẵng như những lời chúc mang lại niềm hy vọng cho một năm mới yên vui, khởi sắc hơn sẽ đến trong năm nay.

Sáng mồng 1 Tết, thành phố chào đón những vị khách đến xông đất bằng tiết mục biểu diễn múa lân cùng những món quà đặc sản của Ðà Nẵng. Trong ngày, Cảng hàng không quốc tế Ðà Nẵng đón hơn 120 chuyến bay nội địa và quốc tế, ước đạt hơn 17 nghìn lượt khách đến Ðà Nẵng; Cảng Tiên Sa cũng đón chuyến tàu biển du lịch mang hơn 1.800 khách cập cảng.

Thời khắc Giao thừa, các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tổ chức bắn pháo hoa, thu hút hàng chục nghìn người dân đến thưởng lãm. Tất cả công nhân khó khăn và hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được tặng quà để có Tết Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi.

Cụ thể, hơn 19 nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đều được tặng một suất quà Tết; gần 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ ít nhất 50 triệu đồng để xóa nhà tạm. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức bốn phiên chợ 0 đồng với giá trị ba tỷ đồng ở các khu công nghiệp cho khoảng 13 nghìn công nhân hưởng lợi; hơn 17 nghìn công nhân có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng; công nhân ở 16 tỉnh được tổ chức 200 chuyến xe đưa về ăn Tết và đón trở lại làm việc sau Tết.

Ðêm Giao thừa, thời tiết tại thành phố Hà Giang rét đậm nhưng nhiều người dân và du khách vẫn đổ về Quảng trường 26/3 để xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc "Chào xuân Giáp Thìn"; trải nghiệm các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Trãi. Hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn đều đã được đặt kín phòng.

Ông Sìn Gỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn (Hà Giang) vui mừng cho biết: "Thôn có 42 hộ làm dịch vụ lưu trú. Ngay từ ngày 30 Tết, hầu hết các hộ đều đã có khách đến lưu trú với mong muốn được đón thời khắc Giao thừa ở vùng đất địa đầu Tổ quốc. Tết Nguyên đán năm nay, dự kiến thôn sẽ đón khoảng ba nghìn du khách".

Trong ngày 30 Tết, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đến thăm, chúc Tết kiểm tra các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đang làm nhiệm vụ trên các chốt biên giới. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (Văn Lãng), các chuyến xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu đã cơ bản thông quan qua biên giới. Ðể bảo đảm các lái xe và chủ hàng (chủ yếu ở các tỉnh phía nam) yên tâm đón Tết tại cửa khẩu, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bố trí nơi ăn, nghỉ, tặng quà nhu yếu phẩm cho lái xe, yên tâm đón Tết, chờ thông quan sau những ngày nghỉ Tết.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đêm Giao thừa hàng nghìn người dân thành phố Huế xuống phố, đặc biệt tại Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ đài Huế, nơi diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Chào xuân 2024". Mặc dù trong đêm Giao thừa trời mưa phùn, gió bấc, giá lạnh nhưng hàng nghìn người dân từ các nơi đổ về trung tâm sân khấu chính để xem chương trình nghệ thuật mừng Ðảng, mừng Xuân và đón chờ thời khắc chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 bằng màn pháo hoa rực rỡ.

Ðây là đêm Giao thừa thứ hai sau hơn 10 năm (lần đầu vào năm 2013), trên bầu trời Quảng Ðiền lại xuất hiện những chùm pháo hoa đầy màu sắc ấn tượng. Huyện Quảng Ðiền được chọn bắn pháo hoa còn có một ý nghĩa, mở đầu cho năm bản lề đưa toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong vài năm tới.

Ðêm 30 Tết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk phối hợp thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa với chủ đề: "Mừng Ðảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024".

Ðến theo dõi chương trình nghệ thuật, anh Y Kniêng Niê ở xã Cuôr Ðăng, huyện Cư M’gar chia sẻ: Chưa bao giờ, người nông dân ở Ðắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung được đón Tết vui vẻ, phấn khởi như năm nay vì giá nông sản tăng cao, nhất là giá cà-phê đạt gần 80.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay. "Tôi hy vọng rằng, trong năm mới Giáp Thìn 2024, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đồng lòng, chung sức của người dân, tỉnh Ðắk Lắk nói riêng, đất nước ta nói chung sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để mỗi độ Tết đến, Xuân về lòng người thêm vui", anh Y Kniêng Niê chia sẻ.

Tối 30 Tết, đông đảo người dân thành phố Cần Thơ tham gia chương trình nghệ thuật đón Giao thừa mừng năm mới tại sân khấu Công viên sông Hậu (quận Ninh Kiều). Gần thời khắc Giao thừa, hàng nghìn người dân thành phố Cần Thơ tập trung về Công viên Bến Ninh Kiều,Công viên sông Hậu, cầu đi bộ Ninh Kiều... xem bắn pháo hoa. Mồng 1 và 2 Tết, nhiều người dân thành phố Cần Thơ đến Vườn hoa xuân thành phố ở Công viên sông Hậu (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) tham quan, chụp ảnh cùng với bạn bè, người thân, gia đình mừng năm mới. Nhiều người dân thành phố cũng đi lễ chùa cầu bình an, may mắn trong năm mới.

Trong hai ngày mồng 1 và 2 Tết, người dân Cà Mau đến các địa điểm văn hóa và vui chơi đông người như: Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cà Mau; các khu du lịch Mũi Cà Mau, Khai Long, Ðá Bạc, U Minh hạ, Ðầm Thị Tường, Thư Duy... và các điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Ðêm Giao thừa, bốn điểm tổ chức bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 40.000 lượt người dân đến xem.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đánh giá: Từ đêm Giao thừa đến nay, nhìn chung tình hình an ninh trật tự tại địa phương ổn định, không có vụ việc bất thường; các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai kịp thời các điều kiện để nhân dân đón Tết Giáp Thìn; bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân; quản lý chặt chẽ giá cả thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.