Cà Mau ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho hơn 13.000 lao động diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người lao động thuộc diện hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Qua đào tạo, phần lớn đều có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn đạt tỷ lệ 80%.

Ðào tạo nghề sửa chữa ô-tô tại Trường cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Cà Mau). Ảnh: PHẠM NGUYÊN
Ðào tạo nghề sửa chữa ô-tô tại Trường cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Cà Mau). Ảnh: PHẠM NGUYÊN

Ðể tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho người dân diện nêu trên, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chú trọng kiện toàn bộ máy nhân sự các cơ sở đào tạo nghề công lập gắn với hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề; đổi mới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, theo nhu cầu thị trường. Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và huy động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn với tạo điều kiện nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

★ Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2025 có hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm. Ðể thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước xây dựng các vùng trọng điểm về sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chú trọng nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Thời gian qua, các cấp ủy cùng cả hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Lào Cai đã vận động nhân dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh, hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Ðến nay, thu nhập khu vực nông thôn trên địa bàn của tỉnh ước đạt 24,5 triệu đồng/người/năm (tăng hơn một triệu đồng so với năm 2018, tăng hơn 17 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 18,56%, giảm 2,44% so với năm 2018; có 59 xã trong tổng số 143 xã đã đạt tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, tăng 30 xã so với năm 2015, tăng 51 xã so với năm 2010.