Cà Mau chủ động vụ mùa mới trước cảnh báo hạn, mặn

Theo dự báo, thời điểm cuối năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, nhiều tỉnh khu vực Tây Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt El Nino. Trước nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn, các vùng sản xuất hệ ngọt của Cà Mau đã chủ động giải pháp ứng phó nhằm giảm thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời xuống giống đợt đầu đúng thời vụ nên lúa phát triển tốt.
Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời xuống giống đợt đầu đúng thời vụ nên lúa phát triển tốt.

Những ngày này, đồng đất gò cao chuyên canh lúa 2 vụ ở vùng ngọt xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã xanh um màu mạ non vụ đông xuân. Đây là vụ lúa “ăn chắc” của nhà nông nên được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.

Làm theo đúng khuyến cáo thời vụ

Trên đồng lúa hơn 9 ha của gia đình mình, ông Trần Văn Bắc (ấp 5, xã Trần Hợi) tỉ mẩn chỉ dẫn nhóm lao động thời vụ tỉa bớt những đám mạ dày sang những nơi thưa để cây lúa được ngay hàng, thẳng lối.

Qua 21 ngày kể từ ngày xuống giống vụ mùa mới (4/10), ruộng lúa nhà ông Bắc đã xanh um với các loại giống OM 5451 và ST 24. Tại khu vực gò cao, ông gieo trồng loại giống OM 5451. 50% diện tích còn lại ở vùng trũng thấp, ông trồng giống ST.

Với thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày thì dự kiến, đồng lúa nhà ông Bắc sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. “Gia đình tôi xuống giống sớm để thu hoạch “né” ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào cuối vụ.

Nhờ thực hiện theo đúng khuyến cáo mà thời gian qua, ruộng lúa của gia đình năm nào cũng đạt năng suất từ 6,5 đến hơn 7,5 tấn/ha” - ông Bắc chia sẻ. Cách đó không xa, đồng lúa 4 ha của gia đình ông Ngô Quốc Toản (cùng ấp) cũng được 15 ngày tuổi (xuống giống ngày 10/10) với loại giống OM 5451.

Theo kế hoạch thì trước khi thu hoạch lúa khoảng 20 ngày, gia đình ông xuống giống vụ màu với các loại bí năng suất cao. Ông Toản cho biết, đã đào ao lớn nuôi cá kết hợp trữ nước phòng việc thiếu nước cho vụ màu vào lúc cần thiết. Nhờ làm theo cách này mà thời gian qua lúa-màu đều gặt hái kết quả tốt.

Trần Hợi là một trong những xã chuyên canh lúa-màu và lúa-cá đồng nổi tiếng tại vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Trong vụ đông xuân này, kế hoạch toàn xã xuống giống hơn 3.700 ha, chia thành hai đợt: Đợt 1 từ ngày 1 đến 20/10 tại các vùng gò cao thuộc ấp 4 và 5; đợt 2 gieo sạ từ ngày 10/11 đến 10/12 tại các vùng trũng thấp còn lại trên địa bàn toàn xã.

“Xã phổ biến lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo của huyện đến tận các ấp để nông dân thực hiện. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc phân vùng, phân khu vực, tránh gieo sạ đồng loạt dẫn đến tình trạng thừa nước nơi này nhưng lại thiếu nước nơi khác” - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Chiến Lũy cho hay.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời Đỗ Văn Sử, trong cơ cấu giống vụ đông xuân 2023, các loại giống OM 5451, OM 18, Hương Châu 6… được sản xuất diện rộng từ 65 đến 70% diện tích gieo trồng toàn huyện.

Các loại giống trên đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, năng suất cao, thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày và phù hợp với điều kiện phèn, mặn, nhất là các năm được cảnh báo khô hạn sớm.

Bảo vệ sản xuất trước cảnh báo El Nino

Trần Văn Thời là địa phương có diện tích trồng lúa hai vụ lớn nhất tỉnh Cà Mau, với hơn 28.000 ha. Đây cũng là khu vực sản xuất hệ ngọt đã được đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín, phục vụ tốt việc điều tiết nước.

Trước cảnh báo El Nino, huyện chủ động xây dựng lịch thời vụ đối với trà lúa đông xuân, chia thành hai đợt như đã triển khai tại địa bàn xã Trần Hợi.

Trong đợt đầu, toàn huyện xuống giống từ 10 đến 20% tổng diện tích gieo trồng lúa tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc. Đây là những khu vực gò cao, khả năng thiếu nước vào cuối vụ khi mưa dứt sớm. Các địa phương vùng trũng thấp còn lại trên địa bàn huyện đồng loạt xuống giống đợt 2, từ 10/11 đến 10/12.

Huyện lưu ý các xã tùy điều kiện diễn biến thời tiết, nếu xuống giống đợt 1 không bảo đảm (nước còn ngập sâu, tháo nước chậm…) thì khắc phục xuống giống đợt 2. Ngược lại, nếu diễn biến thời tiết thuận lợi, điều kiện xuống giống bảo đảm thì các địa phương trong kế hoạch xuống giống đợt 2 có thể bố trí xuống giống trong đợt 1.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công cho biết, các thành viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách chỉ đạo sản xuất tại các xã, đặc biệt trong khâu chọn giống, điều tiết nước phù hợp tại các vùng sản xuất, tránh gieo sạ đồng loạt dẫn đến việc thiếu nước cục bộ.

Do đặc thù chưa được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn nên sinh hoạt và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước khai thác ngầm và nước mưa. Đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất cây trồng, vật nuôi tại Cà Mau ảnh hưởng nặng bởi đợt hạn hán khốc liệt vào mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020.

Rút kinh nghiệm từ thực tế đã qua, ngay khi có cảnh báo về ảnh hưởng của đợt El Nino mùa khô 2023-2024, Cà Mau sớm công bố lịch thời vụ và những hướng dẫn cần thiết giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất.

Trong đó, đặc biệt lưu ý khoảng 38.000 ha lúa vụ đông xuân, lúa mùa và hơn 37.000 ha lúa-tôm niên vụ 2023 có khả năng bị ảnh hưởng rất cao bởi hạn, mặn vào cuối vụ thu hoạch.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương vùng ngọt triển khai kế hoạch sản xuất, có hướng dẫn cụ thể cho từng vùng, khu vực. Tuỳ theo điều kiện tự nhiên, hạ tầng thủy lợi..., các địa phương vùng ngọt được bố trí lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa phù hợp nhằm không chỉ tiết kiệm nước mà còn kết hợp để điều tiết nước luân phiên hợp lý cho các vùng.

Đồng thời với giải pháp lịch thời vụ, Cà Mau đẩy mạnh chuyển đổi sang các loại giống ngắn ngày chất lượng cao, chủ động nạo vét kênh, rạch vùng ngọt nhằm tăng khả năng trữ nước. Sở vừa hoàn thành quy trình vận hành hệ thống cống tiểu vùng 2, 3 để phục vụ vụ lúa-tôm, trên nguyên tắc phối hợp chặt chẽ huyện Trần Văn Thời và U Minh, vận hành theo yêu cầu của địa phương, theo thực tế từng giai đoạn để bảo vệ sản xuất đạt hiệu quả tốt nhất.