Cà Mau đẩy mạnh sản xuất, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm”

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau tăng 6,96%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 22 cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị trực tuyến tại Cà Mau triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng còn lại của năm 2024.
Hội nghị trực tuyến tại Cà Mau triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng còn lại của năm 2024.

Chiều 5/7, hội trực tuyến 3 cấp (cấp tỉnh, huyện và cấp xã) về xây dựng phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tại Cà Mau khép lại với nhiều nội dung quan trọng được người đứng đầu cấp uỷ tỉnh Cà Mau lưu tâm các cấp, các ngành… tại địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Cà Mau đẩy mạnh sản xuất, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” ảnh 1

Nhờ đôn đốc, thúc đẩy tiến độ công trình, dự án… nên giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm tại Cà Mau đạt 37%.

Ưu tiên hàng đầu của tỉnh Cà Mau trong thời gian còn lại trong năm 2024 là tập trung rà soát, đối chiếu chặt chẽ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp để có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất;

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, nhất là triển khai thực hiện quy hoạch chung của tỉnh; tập trung giải phóng mặt bằng mở rộng sân bay Cà Mau; lập hồ sơ thủ tục mời gọi đầu tư Cảng biển Hòn Khoai...;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khâu đột phá chiến lược, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình, dự án chào mừng Đại hội 17 Đảng bộ tỉnh.

Cà Mau đẩy mạnh sản xuất, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” ảnh 2

Nông dân xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tận dụng đất trống trồng rau màu, tăng gia sản xuất.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, Cà Mau tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng “thuận thiên”. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, tạo liên kết chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất gắn với tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con; tích cực vận động nhân dân gia tăng sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cà Mau đẩy mạnh sản xuất, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” ảnh 3

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống “bệnh sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xử lý nghiêm những cán bộ thiếu tinh thần, trách nhiệm, kịp thời thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp…, kinh tế của tỉnh Cà Mau tăng 6,96%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 22 cả nước.

Một số ngành, lĩnh vực quan trọng tại Cà Mau đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,3%; thu ngân sách tăng 14,5% so cùng kỳ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những mặt đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng thẳng thắn nêu ra một số mặt còn hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan, như: Một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các ngành, các cấp có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa bám chặt địa bàn; chất lượng tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lĩnh vực chưa chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ.