Cà Mau chủ động gỡ khó giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Cà Mau giải ngân vốn đầu tư công được hơn 2.700 tỷ đồng, bằng 56,8% kế hoạch và cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (đạt 51,3% kế hoạch vốn), cao hơn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng mà hiện tại, tuyến đường đông-tây Cà Mau cơ bản hoàn thành phần mặt đường, chờ thông xe.
Nhờ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng mà hiện tại, tuyến đường đông-tây Cà Mau cơ bản hoàn thành phần mặt đường, chờ thông xe.

Đạt được kết quả nêu trên, theo đánh giá của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, trong suốt thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU (ngày 7/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tại địa phương về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vô tình làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của các công trình, dự án.

Trong đó, một số chủ đầu tư cam kết tự nguyện ứng trước vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu; quỹ đất tái định cư chưa bảo đảm, phương án bố trí tái định cư chưa chặt chẽ; công tác phối hợp giữa các đơn vị và việc cung cấp hồ sơ từng lúc, từng nơi chưa kịp thời; việc đề xuất, giải quyết khó khăn, vướng mắc còn chậm...

Cà Mau chủ động gỡ khó giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ảnh 1
Dự án cầu bắt qua sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sắp hợp long nhờ thực hiện tốt khâu giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tiến độ, đôn đốc, báo cáo định kỳ, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các dự án trọng điểm, như: Dự án thành phần cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau; Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ða khoa quy mô 1.200 giường bệnh; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước-Vàm Ðình-Cái Ðôi Vàm; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh-Khánh Hội; Dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau-Ðầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng)...

Trong năm 2023, tổng nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công (bao gồm năm 2022 chuyển sang năm 2023) trên địa bàn tỉnh Cà Mau là hơn 4.800 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh này trong giải ngân đầu tư công đạt 95% vào cuối năm 2023.

Để về đích mục tiêu trên, Cà Mau đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh này liên tục có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh.

Trong giải phóng mặt bằng, người đứng đầu chính quyền tỉnh đặc biệt lưu ý phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định. Việc đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất của người bị ảnh hưởng phải chính xác, công khai, minh bạch, tránh phát sinh yêu cầu, khiếu nại. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đúng về phương án bồi thường, tái định cư…