Cà Mau chống sạt lở từ xa

Cao điểm mùa mưa bão năm nay, ven biển Cà Mau tiếp tục hứng chịu thời tiết cực đoan gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của đê biển Tây. Trước tình hình này, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai mọi giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân vùng ven biển.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình kè đá khan phòng sạt lở, bảo vệ khu dân cư ven biển xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau).
Công trình kè đá khan phòng sạt lở, bảo vệ khu dân cư ven biển xã Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau).

Tại khu vực ven biển huyện U Minh (Cà Mau), sóng dữ đánh trực diện vào hai bên mạn sườn bờ biển xã Khánh Hội. Tuy nhiên, sạt lở bờ biển không xảy ra như nhiều nơi khác, bởi có lớp kè bằng đá chất chồng lên nhau, áp sát vào mặt bờ. Loại công trình nêu trên có tên gọi là kè đá khan.

Có nhà nép mình sau dãy kè đá này, bà Phan Thị Kiều, ngụ ấp 3, xã Khánh Hội, cho hay: “Lắm lúc cũng lo vì sóng dữ bao trùm qua khu kè đá, nhưng từ ngày chính quyền địa phương triển khai khu kè sát bờ đến nay sạt lở không xảy ra nữa”.

Cạnh khu vực gia đình bà Kiều sinh sống là hàng chục hộ dân, có nhà nép mình sau dãy kè đá khan. Một số vị trí sau dãy kè, cây rừng đã bắt đầu tái sinh nhờ phù sa lắng tụ. Phổ biến là mắm, một trong những loại cây tiên phong lấn biển, thêm rừng ở vùng ngập mặn Cà Mau. Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm cho biết: “Cần thêm thời gian để đánh giá chính xác hiệu quả lâu dài nhưng theo tôi, khu kè đá khan bước đầu đã phát huy tốt tác dụng bảo vệ sạt lở khi sóng biển đánh trực diện vào bờ, giúp nhân dân địa phương yên tâm hơn trước”.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, mô hình kè đá khan hiện đã được triển khai tại ít nhất 5 khu vực ven bờ biển Tây thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài kè đã hoàn thành hơn 7km. Khi hoàn thành, cao trình đỉnh kè khoảng 1,5m. Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, những khu vực đã hoàn thành thi công kè đá khan gồm: Tiểu Dừa, Khánh Hội, T29, T25, Đá Bạc, Kênh Mới.

Khi đã xác định vị trí tuyến sạt lở thì thi công theo đường viền sạt lở. Dưới chân kè gia cố bằng phên tràm và vải địa kỹ thuật, sau đó chất đá to xếp chồng lên nhau. Giải pháp kè đá khan chủ yếu được áp dụng tại những khu vực cấp bách, sạt lở nguy hiểm để bảo vệ dân cư và tại những nơi còn rừng phòng hộ. Mục đích là giữ được đai rừng phía ngoài để giảm sự tàn phá của sóng biển, góp phần bảo vệ an toàn cho đê biển Tây và bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai, mô hình kè đá khan được ngành chức năng địa phương triển khai từ năm 2020 đến nay, kinh phí mỗi km kè từ 7-9 tỷ đồng (tùy thời giá vật tư). Ưu điểm của mô hình kè này là chi phí thấp, thi công nhanh ứng phó với sạt lở khẩn cấp. Qua thực tế quan trắc, tại những vị trí triển khai kè chưa ghi nhận cây rừng bị chết do tác động của sóng biển, bảo vệ an toàn đai rừng phòng hộ phía bên trong, góp phần bảo vệ an toàn đê biển.

“Trong hoàn cảnh ngân sách tỉnh còn eo hẹp, ngành chức năng địa phương phải “liệu cơm, gắp mắm” tìm kiếm, nghiên cứu những giải pháp hợp lý, hiệu quả nhằm ứng phó với sạt lở. Với kè đá khan, tuy là một trong những giải pháp tạm thời nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả bảo vệ đê biển phía bên trong, giảm kinh phí xử lý đê trong tình huống cấp thiết vì sạt lở” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam ghi nhận.

Đê biển Tây của Cà Mau dài hơn 100km, qua địa phận ven biển huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Dọc tuyến đê, dãy rừng phòng hộ ven biển còn thưa thớt. Khá nhiều vị trí bị sạt lở nghiêm trọng, cây rừng bị sóng dữ bứng gốc, nằm la liệt… chờ chết. Trong số đó, khoảng 14km không còn đai rừng phòng hộ, hoặc đai rừng chỉ còn từ 2 đến 10m là đến tận chân đê.

Tại các khu vực đai rừng còn rất mỏng hoặc không còn rừng phòng hộ, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 2012 đến nay, ngành chức năng Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp công trình bảo vệ đê biển Tây, tạo bãi bồi nhằm khôi phục đai rừng phòng hộ. Đến nay, hàng chục công trình đã hoàn thành, tổng chiều dài hơn 20km với nguồn lực đầu tư khoảng hơn 600 tỷ đồng. Đó cũng được xem là đầu tư căn cơ, dài hạn nhằm ứng phó với sạt lở ngày càng nghiêm trọng khu vực biển Tây.

Theo ông Tô Quốc Nam, hạn chế của giải pháp dài hơi nêu trên là sử dụng nguồn vốn lớn, triển khai trong tình thế cấp bách (sạt lở làm mất hết cây rừng uy hiếp an toàn đê biển) trong khi thi công trên biển gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của sóng dữ trong những tháng cao điểm mùa mưa bão. Ông Nam thừa nhận: “Do không chủ động được nguồn vốn nên phần lớn công trình ứng phó sạt lở bờ biển Tây triển khai khi “nước đã đến chân”. Trong tình thế ấy, tuy vẫn bảo vệ an toàn đê biển Tây nhưng sóng biển đã tàn phá hết cây rừng, và việc khôi phục đai rừng phòng hộ sau đó cần có thời gian”.

Cà Mau chống sạt lở từ xa ảnh 1
Mô hình kè đá khan bảo vệ đai rừng phòng hộ khu vực T29 (huyện U Minh) trước sóng dữ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, lực lượng làm công tác đê điều ở Cà Mau tìm tòi, nghiên cứu để áp dụng các cách thức mới để phòng, chống sạt lở bờ biển, trong đó có giải pháp kè đá khan. Giải pháp nêu trên được xem là hiệu quả nhất thời, bởi sẽ giữ được những đai rừng hiện hữu đang bị uy hiếp vì sóng dữ, bảo vệ được các công trình phía trong đê biển Tây. Tuy nhiên, dọc tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau với hơn 64km chiều dài đai rừng phòng hộ, còn từ 100-500m nhưng đến nay chưa được triển khai công trình kè bảo vệ nào, cũng chưa áp dụng giải pháp kè đá khan.

Những khu vực này tập trung chủ yếu từ Kênh Mới đến Bảy Háp. Trong số đó, có khoảng 23km từ Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), dù nằm trong phạm vi khu vực nâng cấp đê biển Tây theo Quyết định 667/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí cấp vốn để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai lo lắng: Khu vực mặt đê chưa nâng cấp bằng đất, hiện đã bị lún nghiêm trọng, nơi cao lắm còn dương 1,6m, thấp nhất chỉ còn khoảng 1m trong khi triều cường các năm gần đây đo được trung bình từ 2,2 đến 2,6m và có thời điểm cao hơn. Con số nêu trên cho thấy sóng biển, triều cường có thể uy hiếp đê biển Tây bất cứ lúc nào.

Hằng năm, tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho ngành chức năng rà soát, đánh giá tình hình xói lở trên toàn bờ biển để xác định, phân loại những bờ biển trong trạng thái nguy hiểm khác nhau, qua đó áp dụng các giải pháp phù hợp trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Quan điểm của Cà Mau là vào cuộc với quyết tâm cao nhất, sử dụng vốn tiết kiệm, hợp lý nhất nhưng mang lại hiệu quả nhất, đặc biệt là giải pháp phòng sạt lở từ xa nhằm bảo vệ được đai rừng phòng hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử

Vì lẽ đó, đai rừng phòng hộ từ Sông Đốc đến Cái Đôi Vàm hiện được xem là “lá chắn” sống còn bảo vệ con đê phía bên trong. “Nếu được Trung ương hỗ trợ thêm nguồn lực để triển khai trước mắt mô hình kè đá khan ở các khu vực sạt lở của đoạn đê chưa nâng cấp, chúng tôi tin tưởng sẽ giữ được thảm rừng quý báu ven biển, về sau cũng giảm nhẹ kinh phí triển khai các công trình nâng cấp đê mà vẫn giữ được “lá chắn” xanh phía ngoài đê” - Ông Hoai đề xuất.

Cà Mau là một trong bốn tỉnh động lực của vùng Tây Nam Bộ, là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng khi có ba bề giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Đây là tiềm năng, lợi thế để Cà Mau phát triển bền vững về phía biển theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Tuy nhiên, lợi thế trên cũng là gánh nặng đối với Cà Mau khi xói lở ngày càng phức tạp do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Dù đã rất nỗ lực và ưu tiên nhiều nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống xói lở nhưng trong 10 năm gần đây, tỉnh đã mất ít nhất khoảng 4.000ha đất và rừng phòng hộ ven biển do sạt lở. Đây là nguồn tài nguyên của đất nước, rất cần được ưu tiên, quan tâm nhiều hơn.