Ca khúc “Đất nước lời ru” bị cấm trong hội thi ngành giáo dục tỉnh An Giang?

NDO -

NDĐT – Trước khi diễn ra hội thi hơn mười ngày, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh An Giang ra văn bản cấm các trường, các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố dự thi Hội thi ca múa nhạc ngành GD-ĐT năm 2018-2019 bằng các bài hát: Giấc mơ cánh cò, Mẹ tôi, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Đất nước lời ru… Nhưng cùng nội dung bài hát “Đất nước lời ru” được một đơn vị dự thi đổi tên thành “Lời ru đất nước” và “chiêm” thêm ca cổ vào thì lại được giải…(?!).

Tiết mục “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” đạt giải cao ở cấp thành phố nhưng không được dự thi cấp tỉnh.
Tiết mục “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” đạt giải cao ở cấp thành phố nhưng không được dự thi cấp tỉnh.

Về vấn đề này, chiều 20-3, ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang thừa nhận, có sai sót trong việc ra thông báo số 19/TB-SGDĐT ngày 27-2, vì đã không nói rõ là cấm hay sẽ trừ điểm đối với những ca khúc trên tham gia dự thi cấp tỉnh. Trong khi, Hội thi diễn ra từ ngày 11 đến 17-3, thì thời gian ra thông báo đến thời điểm diễn ra Hội thi chỉ hơn mười ngày khiến nhiều trường học không đủ thời gian tập dợt tiết mục mới.

Đáng nói hơn, những ca khúc bị “cấm” tham gia dự thi lần này đều là những tiết mục đạt kết quả cao ở vòng thi cấp cơ sở, cấp huyện, thị xã, thành phố. Vì thế, nhiều phòng GD-ĐT đã buộc phải loại bỏ tiết mục hay nhất của đơn vị mình, mà chọn tiết mục khác đem dự thi nên không có giải.

Trong khi đó, ông H., một phụ huynh có con từng được chọn tiết mục tham gia dự thi tại Hội thi Ca múa nhạc ngành GD-ĐT tỉnh An Giang năm 2018-2019, nhưng sau đó bị loại vì Thông báo số 19 của Sở GD-ĐT An Giang cho biết, những bài hát như: “Đất nước lời ru” (sáng tác Văn Thành Nho), “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” (sáng tác Huỳnh Thơ), “Mẹ tôi” (sáng tác Trần Tiến)… đều là những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh cách mạng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với tất cả các thế hệ người Việt Nam.

“Đối với học sinh, những bài hát này càng làm cho các em biết yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, cha mẹ hơn. Những bài hát còn mang tính giáo dục tinh thần đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng không hiểu sao, Sở GD-ĐT lại cấm vì cho rằng không phù hợp và buộc phải thay đổi tiết mục dự thi?”, ông H., bức xúc nói.

Ông H. cho biết thêm: “Việc ra lệnh cấm vào giờ cuối đã khiến các em học sinh rất sốc vì công sức các em đã bỏ ra luyện tập hàng tháng trời, dự thi đạt giải cao ở cấp cơ sở và được chọn đi dự thi cấp tỉnh thì bị… loại trước giờ thi”.

Nhiều phụ huynh khác bức xúc cho rằng, hội thi ca múa nhạc ngành GD-ĐT được tổ chức hằng năm ở cấp huyện và hai năm/lần ở cấp tỉnh vốn là sân chơi bổ ích và lành mạnh của học sinh. Nhưng năm nay bất ngờ bị “làm chiêu trò” đã ảnh hưởng đến tinh thần học tập và năng khiếu của học sinh.

“Nói rõ ra là chúng tôi cảm thấy thất vọng vì một sân chơi của học sinh bị… méo mó. Không hiểu là tác giả các bài hát này có lỗi lầm gì với lãnh đạo Sở GD-ĐT An Giang không mà họ nói là hát bài này bị trừ điểm và cấm không cho học sinh hát. Tôi cho rằng có sự nhũng nhiễu trong cuộc thi này đối với một số trường mà vị lãnh đạo Sở không ưa mắt”, ông G., một phụ huynh nói.

Theo nội dung Thông báo số 19, đối với các bài hát thuộc thể loại tân nhạc (đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca), tiểu ban thẩm định thống nhất quy chuẩn xem xét các bài hát không phù hợp với lứa tuổi của học sinh, như: ca từ, nội dung bài hát, hoàn cảnh sáng tác, nguồn gốc ra đời của tác phẩm âm nhạc… “các bài hát phải thay đổi khi dự thi: “Giấc mơ cánh cò” (sáng tác Vũ Quốc Việt), “Mẹ tôi” (sáng tác Trần Tiến), “Cám ơn tình yêu” (sáng tác Huy Tuấn), “Đất nước lời ru” (sáng tác Văn Thành Nho), “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” (sáng tác Huỳnh Thơ)…”, thông báo nêu rõ.

Từ thông báo này, nhiều đơn vị buộc phải thay đổi tiết mục dự thi, “vớt” lại những tiết mục đã bị loại ở vòng thi cấp cơ sở đem đi thi cấp tỉnh nên không có giải thưởng.

“Nếu chúng tôi dự thi bằng bài hát đã được các em ra sức luyện tập hàng tháng trời mà không có giải thưởng cũng không có gì để nói. Nhưng đến gần giờ cuối thì tiết mục của chúng tôi bị… loại trước khi lên sân khấu. Trong khi đó, một đơn vị khác vẫn dự thi bằng bài “Đất nước lời ru”, nhưng đổi tên thành “Lời ru đất nước” và chèn ca cổ vào thì được chấm giải cao. Điều này thật khó hiểu và làm các em học sinh cũng như phụ huynh và thầy cô giáo vô cùng bức xúc”, một giáo viên bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Võ Bình Thư giải thích, vì các thể loại ca cổ rất ít tiết mục dự thi nên được Ban Giám khảo khuyến khích. Còn cái sai trong thông báo của Sở là không nói rõ cấm các bài hát trên hay sẽ trừ điểm nếu dự thi bằng các bài hát đó. Và văn bản cũng không nói rõ là cấm đối với học sinh THCS, còn đối với học sinh THPT thì không cấm. Tuy nhiên, ông Võ Bình Thư không giải thích những bài hát “Đất nước lời ru”, “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long”, “Mẹ tôi”… không phù hợp về mặt nội dung hay vấn đề gì, mà chỉ nói sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những lần tổ chức tiếp theo.

Tuy nhiên, một luật sư phân tích, thông báo trên do ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT ký trong trường hợp này không thuyết phục. Vì ông Thư là Trưởng Ban tổ chức lại ra thông báo “tuýt còi” các đơn vị dự thi.

“Còn thông báo trên là văn bản hành chính, có hiệu lực pháp luật từ ngày ký và mãi mãi về sau, nếu không được thu hồi. Nghĩa là các năm tiếp theo, những bài hát như: “Đất nước lời ru”, “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long”… tiếp tục bị cấm hát trong ngành GD-ĐT tỉnh An Giang. Một điểm nữa là việc một đơn vị dự thi tự ý đổi tên bài “Đất nước lời ru” thành “Lời ru đất nước” mà không được sự đồng ý của tác giả là vi phạm quyền sở hữu và tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc”, luật sư này nói.