Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân vùng đất Cố đô đã có từ lâu đời. Ai có dịp đến thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đều ấn tượng sâu sắc với những làn điệu mượt mà của xứ Huế và mong muốn được một lần ngồi tựa mạn thuyền để thưởng thức trên dòng Hương giang.
Thú chơi tao nhã
Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền lấp lánh sắc mầu, cũng là lúc những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng Hương để bắt đầu một đêm ca Huế. Ðón làn gió mát rượi bên triền sông, chúng tôi thả bộ dọc cầu Trường Tiền để tới Bến tòa Khâm, bắt đầu hành trình đi tìm nét quyến rũ riêng của Huế qua những làn điệu sông trăng. Thuyền rồng hững hờ trôi bồng bềnh, khán giả trên thuyền háo hức ngắm nhìn thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương và chăm chú xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.
Trên khoảng sân khấu sàn tàu rộng chừng 30m2 với gần 50 chiếc ghế nhựa được kê sẵn, ai nấy đều nhanh chóng ổn định chỗ ngồi chờ "thưởng nguyệt khai ca". Chị Vũ Nhật Anh, một khách du lịch đến từ tỉnh Cao Bằng cho biết: "Lần đầu tiên đến Huế, tôi tìm hiểu ngay về dịch vụ ca Huế. Những làn điệu phù hợp vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của sông Hương và rất đi vào lòng người, tôi có quay lại những vi-đê-ô để làm kỷ niệm và chia sẻ đến bạn bè của tôi cùng biết".
Theo nhiều tư liệu, ca Huế hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 17 và trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình quan lại trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Ðàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn. Mặc dù vô cùng thịnh đạt trong thời kỳ triều Nguyễn, nhưng sau đó, trong một thời gian dài hàng thập kỷ thăng trầm chiến tranh, hoạt động ca Huế đã ngưng trệ. Thời kỳ đổi mới, khi Thừa Thiên Huế tái lập tỉnh, ca Huế trên sông Hương đã được chú ý, phát triển như là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, được truyền bá và phát triển trở lại, phát huy được tối đa giá trị của loại hình diễn xướng độc đáo này.
Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Ðiệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Ðiệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như: Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc... Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như: thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa. Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, về giáo dục thẩm mỹ, tình cảm, góp phần hình thành tính cách người xứ Huế.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy, một ca sĩ có thâm niên biểu diễn loại hình nghệ thuật này, mở đầu cho một đêm ca Huế trên sông Hương là bốn nhạc khúc: Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ. Rồi tiếp đến là những điệu hò Huế đối đáp và tân nhạc Huế đặc sắc. Những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, sênh, phách… sẽ ru tâm hồn du khách vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người, không sao quên được. Thuyền trôi đến bến Văn Lâu, du khách được trải nghiệm một phong tục có từ lâu đời của người dân xứ Huế là thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hương. Ðây chính là phong tục với mong muốn cầu sự an lành, bình an cho mọi người. Hiện, ngoài sử dụng nhạc cụ dân tộc để chơi âm nhạc truyền thống, các nhạc công còn chơi cả những bản nhạc nước ngoài quen thuộc. Ðây chính là nét mới trong việc tổ chức ca Huế trên sông Hương nhằm phục vụ các du khách đến từ các quốc gia khác nhau, giúp họ thêm yêu mến các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Trưởng Ban quản lý Bến xe-bến thuyền thành phố Huế, bà Dương Thị Ánh cho biết: Sông Hương có hơn 128 thuyền rồng, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải từ 60 phút trở lên, và tối thiểu ba nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo. Chương trình phải có ít nhất bảy diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; tám diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động ca Huế trên địa bàn tỉnh cho 457 ca sĩ, nhạc công. Tính trung bình, mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 15.000 suất diễn ca Huế, phục vụ hơn 350.000 lượt khách nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nét đẹp văn hóa hấp dẫn khách.
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học.
Khắc phục bất cập, phát huy giá trị ca Huế
Mặc dù có nhiều quy định về việc tổ chức biểu diễn ca Huế, song đến nay, việc biểu diễn ca Huế trên thuyền rồng đi dọc sông Hương vẫn còn nhiều bất cập cần được chấn chỉnh. Ðã có tình trạng nhiều chủ thuyền tự đứng ra tổ chức suất diễn, hạ giá cạnh tranh; hoặc mời các nghệ sĩ trẻ chỉ diễn một bài để trả thù lao ít hơn khiến chương trình bị cắt xén, chất lượng nghệ thuật ca Huế giảm. Ông Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng chia sẻ: "Hiện có nhiều người dẫn chương trình về ca Huế trên sông Hương, nhưng chưa thật sự hiểu rõ về ca Huế, dẫn đến việc không thể quảng bá rộng rãi được loại hình nghệ thuật này. Thậm chí, có chủ thuyền còn đưa con cháu chen vào biểu diễn những ca khúc nhạc trẻ trữ tình về Huế, không đúng với ca Huế. Việc tổ chức như thế khiến chương trình nghệ thuật ca Huế giảm sút, không đạt chất lượng, gây hiểu nhầm cho du khách, làm nhiều nghệ sĩ tên tuổi quay lưng với việc biểu diễn ca Huế trên sông Hương".
Ðể chấn chỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án "Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025", góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Ðề án gắn xây dựng sản phẩm du lịch với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ca Huế, tạo cơ sở, tiền đề để có thể đưa ca Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thiên Bình, các chương trình biểu diễn ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn; niêm yết công khai tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế và giới thiệu cho du khách trong quá trình biểu diễn. Quy định nêu rõ, các diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn ca Huế phải mang bảng tên, trang phục truyền thống. Thời gian hoạt động biểu diễn ca Huế từ 8 giờ đến 24 giờ hằng ngày; không gian phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương là đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên; các thuyền du lịch có hoạt động biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ một đến hai camera giám sát kết nối với cơ quan quản lý.
Cùng với quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế cũng được triển khai thực hiện và bước đầu thu được những kết quả khả quan, đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở về ca Huế thường xuyên và theo định hướng cụ thể, bài bản. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện chương trình đưa ca Huế vào trường học nhằm khơi dậy niềm đam mê và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đưa di sản ca Huế vào trường học với hai nội dung như tập huấn hát ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức Câu lạc bộ ca Huế tại các trường trung học cơ sở.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân cho biết: Việc di sản ca Huế được đưa vào trường học là một sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này có sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Hiện, mô hình Câu lạc bộ ca Huế đã được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Huế. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch với nhiều hình thức như tổ chức biểu diễn hát ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, lễ khai giảng và các dịp lễ kỷ niệm, chương trình liên hoan văn nghệ, ngoại khóa tìm hiểu về ca Huế nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật ca Huế.
Việc xây dựng và triển khai Ðề án "Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2021 đến 2025" đã và đang có những hiệu quả tích cực. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng hành bảo vệ di sản của cả cộng đồng, ca Huế sẽ ngày càng phát huy hết giá trị theo hướng bảo tồn bản sắc và bền vững ■