Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống tham nhũng

Sau hơn hai năm thực hiện, Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" đã đạt nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10. (Ảnh ÐĂNG ANH)
Lãnh đạo thành phố phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10. (Ảnh ÐĂNG ANH)

Trong đó, trách nhiệm người đứng đầu được tăng lên cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là hai bài học kinh nghiệm quan trọng cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua luôn được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách. Thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Chủ động, quyết liệt hơn

Thành phố đã ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương, đơn vị ban hành 39 văn bản; tiến hành 1.215 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.154 trường hợp. Qua kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, xử lý kỷ luật 72 trường hợp. Tất cả quận, huyện, thị ủy, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; công tác kiểm tra, giám sát đạt nhiều kết quả. Trong đó, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra 3.542 tổ chức đảng, 992 đảng viên; giám sát 2.212 tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai 691 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử phạt 105,9 tỷ đồng.

Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã tiếp nhận, giao Ban Nội chính Thành ủy nghiên cứu, tham mưu, xử lý 14.933 đơn (chuyển cơ quan giải quyết theo thẩm quyền 3.912 đơn, lưu đơn theo quy định 11.021 đơn). Các cơ quan đã tiếp 45.686 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 66.038 đơn các loại; thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền 5.806/6.879 vụ khiếu nại, tố cáo.

Ðể có những kết quả này, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đều vào cuộc tích cực. Bí thư Quận ủy Ba Ðình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, để triển khai có hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU, các dự án lớn của quận đều được tổ chức trưng cầu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, giám sát và nêu ý kiến đóng góp… Ðến nay, Ðảng bộ quận chưa phát hiện cán bộ có hành vi tham nhũng, nhiều năm liền không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém...

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ động xây dựng Chuyên đề số 08 về “Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn dân cư thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Qua hai năm tổ chức thực hiện, đã tham gia giám sát 6.521 công trình, dự án, phát hiện 435 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 418 vụ. Ban Thanh tra nhân dân giám sát 10.743 cuộc, phát hiện 1.270 vụ vi phạm, kiến nghị 1.208 vụ được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.174 vụ, chiếm 97,18%.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Ðức Bảo thẳng thắn cho rằng, nhiều biểu hiện tiêu cực vẫn diễn ra trong các sở, ngành, nhất là với các đơn vị có đặc thù công việc liên quan thủ tục hành chính của các tổ chức, doanh nghiệp. Qua kiểm tra thực thi công vụ, các đoàn kiểm tra của thành phố đã phát hiện nhiều sở, ngành chưa xây dựng quy chế làm việc. Có đơn vị xây dựng quy chế nhưng không thực hiện. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp bị “bỏ quên”, gây lãng phí lớn thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp.

Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, đồng chí Vũ Ðức Bảo cho rằng, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy trình thực thi công vụ trong các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các sở, ngành có đặc thù công việc liên quan giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Cùng với việc xây dựng các chuyên đề kiểm tra sâu, cần tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước.

Phát biểu kết luận tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10 mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; gắn với thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Ðồng chí chỉ đạo cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Các cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.