Ca cao ngọt ngào trên đất cù lao

NDO - NDĐT - Có mặt ở Bến Tre từ lâu, nhưng trở thành một chủ trương, định hướng cho dân, thì trong phạm vi tỉnh chưa có dự án nào hiệu quả, thiết thực được đồng tình, hưởng ứng như dự án phát triển ca cao trong vườn dừa. Trong vòng gần 4 năm, từ chưa đến 1.000 ha, cuối năm 2012 đã có tới 10.687ha, vượt chỉ tiêu 687 ha, buộc giới chuyên môn phải khuyến cáo phát triển “chậm mà chắc”.
Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước (người chỉ tay) hướng dẫn thực hành hệ thống phun thuốc và bón phân qua tại một vườn ca cao
Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước (người chỉ tay) hướng dẫn thực hành hệ thống phun thuốc và bón phân qua tại một vườn ca cao

Năm 1988, ca cao ở vườn nhà ông Tám Hiển, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách), có một cây với gốc ngoài ba gang tay. Trước khi tiếp quản, một người bạn của ông, cùng họ đạo Thiên Chúa cho cây này đem về trồng, chủ yếu là lấy bột của trái để làm nước uống, có vị chua, ngọt giống như nước chanh.

Sau ngày giải phóng, cây ca cao lại có mặt ở các xã An Phước, An Khánh (Châu Thành) và được trồng chuyên canh hoặc xen trong vườn nhãn của anh Hùng, anh Dũng với diện tích năm – ba công (5.000 – 3.000 m2), nhưng không có đầu ra, chủ yếu là bán cho “học trò ăn đỡ khát trong những lúc trưa hè”. Cây ca cao một lần nữa buộc phải từ giã vùng đất cù lao màu mỡ để trở về vườn thực nghiệm của trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Thế nhưng điều này không khuất phục được ý chí của một người có hơn một năm là sinh viên đại học, vì nghèo buộc phải trở về nông dân làm vườn.

Anh Hùng quay về trường cũ, cùng với 10 nông dân trong xóm tìm lại thầy cũ - người ấp ủ mong muốn cây ca cao sẽ sống được đồng bằng, thậm chí là vùng sông nước như Bến Tre. Hai “tư tưởng” gặp nhau, cây ca cao sống lại trên vườn anh sau 10 năm xa cách, để từ đó lan ra vườn của 10 nông dân, rồi từ xã này lan ra xã khác.

20 năm sau đó, năm 2008, cả huyện Châu Thành được 26 ha - một diện tích khá khiêm tốn, như Báo Nhân Dân vào thời điểm này phản ánh và dự báo “giống như một đóm lửa sẽ bùng cháy trong ngày gần đây không xa”, và nay thật sự đã phát triển rộng, mạnh trong toàn tỉnh.

Chỉ trong vòng trên dưới một năm sau, tại huyện Châu Thành, từ 26 ha tăng lên gần 1.000 ha dừa đã xen được cây ca cao. Và sau đó, năm 2009 dự án phát triển ca cao xen trong vườn dừa của tỉnh được hình thành, với diện tích 10.000 ha, để rồi cuối năm 2012, toàn tỉnh tổng kết, đã có 10.687 ha, vượt kế hoạch ban đầu là 687 ha.

Đã vượt, nhưng theo ngành chủ quản, cây ca cao chưa dừng lại, vì “những vùng nước lợ, thậm chí là nước mặn không chỉ có mặt cây ca cao, mà còn cây ca cao cho trái”.

Theo anh Đỗ Văn Công, Phó Ban điều hành dự án, qua khảo sát “hiện có 30% diện tích phát triển và cho trái tốt, 40% diện tích cho trái trung bình và 30% diện tích có cây và cho trái rất xấu”. Đi sâu vào số diện tích có cây chậm phát triển “phần lớn là nằm ở những vùng đất nhiễm mặn và cho trái xấu thường rơi vào hai trường hợp: Trồng cây thực sinh, nghĩa là trồng cây từ hạt và trong quá trình chăm sóc để cho cây phát triển tự nhiên, không tỉa cành, tạo tán”.

Tán đồng quan điểm này, anh Võ Văn Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú thừa nhận: huyện hiện có 180 ha ca cao, đặc biệt là xã Thới Thạnh là vùng đất nước nhiễm mặn, nhưng nông dân lại trồng nhiều và cây ca cao ở đây chết cũng nhiều. Cũng là huyện biển, anh Nguyễn Văn Sa, Phó phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại, bên cạnh đồng tình ý kiến đưa ra của huyện Thạnh Phú, cho biết cây ca cao trước đây được trồng ở các xã ven sông Ba Lai, thuộc vùng của dự án ngọt hóa của tỉnh, vài năm trở lại đây phát triển sang các xã ven sông Tiền, cây ca cao chết nhiều còn là do người dân trồng “thiếu kỷ thuật, trồng rồi bỏ, thiếu chăm sóc và một phần cũng là do cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng”.

Đối với Ba Tri, anh Nghị, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân huyện, nhất trí với Bình Đại ở chỗ, dân đồng tình nhưng khi trồng “quyết tâm chưa cao, đăng ký trồng nhưng lại chăm sóc chưa đúng mức” và cũng cùng quan điểm là “trồng phải chọn vùng đất, chứ không phát triển tràn lan”. Theo anh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mỏ Cày Nam, sở dĩ cây ca cao ở đây cho “năng suất thấp bình quân khoảng 3kg hạt/cây/năm là do xen trong vườn dừa có mật độ quá dày, ngành kỹ thuật biết, hướng dẫn tỉa thưa dừa nhưng dân không chịu”.

Suy cho cùng vấn đề cốt lõi của dự án là chất lượng và hiệu quả. Cây ca cao đã thật sự sống được trên đất Bến Tre, không chỉ tươi tốt, cho trái, trái có chất lượng cao, mà còn làm tăng thêm giá trị đất trồng dừa. Ở đây còn có nhà máy chế biến hạt ca cao thành sôcôla, rồi trong tương lai sôcôla ở đây tham gia hương vị của nhiều loại bánh và các sản phẩm khác trên thị trường và đáp ứng nhiều hơn nhu cầu trong đời sống xã hội.

Anh Lê Phong Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre khẳng định: Dự án về cây ca cao đã đạt về diện tích, vấn đề hiện nay và sắp tới là tăng cường các mặt hoạt động khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cây trồng và hiệu quả của dự án không chỉ về mặt kinh tế, mà luôn quan tâm hơn nữa về mặt xã hội.

Đối với Bến Tre, cây ca cao tốt được là luôn đứng bên cạnh cây dừa - chưa có vườn ca cao nào trồng chuyên mà đạt năng suất và hiệu quả cao ở đất cù lao này, nên trồng ca cao xen trong vườn dừa là giải pháp tối ưu hiện nay. Đối với việc quy hoạch là một mặt, nhưng trong quá trình thực hiện quy hoạch cũng phải có sự linh hoạt, vì đâu có cây nào phù hợp cho mọi loại đất. Đi đôi với sản xuất, việc thu hoạch, tạo chất lượng hạt, khâu chế biến cũng là vấn đề sắp tới cần phải đặt ra và nghiêm túc thực hiện. “Chậm mà chắc”, nghĩa là phát triển phải đạt được yếu tố bền vững.