RAO BÁN "VOỌC SẤY KHÔ" TẠI THỦ PHỦ VÀNG PHƯỚC SƠN
Đón chúng tôi tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), Đ., người dẫn đường bản địa nhấc máy gọi thổ địa để dò hỏi về địa điểm có thể… đón thực khách muốn ăn thịt thú rừng “xịn”. Sau một hồi lâu, Đ. giục chúng tôi lên xe, chạy thẳng về phía đường Nguyễn Chí Thanh với cam kết: “Dân bản xứ khẳng định ở đó có một món không nơi nào có được. Đó là voọc sấy, giống khô heo, khô bò vậy”.
Mang theo sự tò mò, chúng tôi tấp vào quán nhậu bình dân có tên Út N. Nhìn từ phía bên ngoài, cơ sở ăn uống này không quá đặc biệt. Thế nhưng, khi chúng tôi bày tỏ có nhu cầu “thưởng thức” đặc sản rừng thì U., bà chủ quán khoảng ngoài 30 tuổi ngay lập tức chào mời: “Nhà em còn 2 ký chồn núi dân vừa bẫy được. Các anh ăn thì em chế biến nhanh luôn”.
Chủ quán Út N. trên đường Nguyễn Chí Thanh (Khâm Đức, Phước Sơn) mang 2 túi đựng thịt thú rừng được quảng cáo là voọc sấy khô ra chào mời. Phần thịt bên trái còn nguyên khúc xương đùi. Bằng mắt thường có thể thấy đây giống như chi sau của một động vật linh trưởng cỡ nhỏ. |
“Không còn món gì lạ hơn à?”, chúng tôi hỏi.
Sau một lúc ngần ngừ, U. ra dấu cho chúng tôi đi theo vào bếp rồi thủng thẳng mở ngăn đá chiếc tủ lạnh cũ kỹ dựng ở góc, mang ra một túi ni-lông bọc kín mít.
“Quán em chỉ còn một ít chân voọc đã sấy khô. Các anh lấy cả thì em để lại. Cái này có thể ăn trực tiếp hoặc xào măng ớt ăn rất ngon”, chủ quán nói.
Để chứng minh “độ xịn” của mặt hàng, U. nhanh chóng gỡ lớp bọc bên ngoài rồi đặt hẳn hai tảng thịt đen đúa, bóng nhẫy mỡ lên mặt bàn cho chúng tôi lựa chọn. Một trong số đó là một khúc đùi còn lộ nguyên xương trắng hếu. Bằng mắt thường có thể nhận ra đây giống như chân của một loài linh trưởng nhỏ đã bị sấy khô quắt queo lại.
Năm 2012, tại thôn Vàu, xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam), tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt Nguyễn Văn Hải khi đối tượng đang dùng xe máy vận chuyển 13 con voọc chà vá chân đỏ đã được Hải xả thịt, sấy khô. Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận, sau khi săn bắt được số voọc nói trên, Hải đã mổ lấy hết nội tạng rồi đưa lên giàn bếp sấy khô để dễ chở đi tiêu thụ.
“Hàng này chỉ khách hỏi chúng em mới mang ra. Nếu anh chị mua, em để giá 600.000 đồng/kg. Lấy cả xương thì là 500.000 đồng”, nữ chủ quán tiếp tục.
Thậm chí, khi chúng tôi bày tỏ nhu cầu mua hàng mang về Hà Nội, U. còn quả quyết có thể gửi theo xe khách, bưu điện với điều kiện khách phải đặt cọc một phần để… làm tin. Thậm chí, nếu có nhu cầu thu mua xương voọc hoặc khỉ để nấu cao, cơ sở này cũng sẵn sàng cung cấp với giá chỉ vài trăm ngàn/cân.
Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm, U. cho biết, đây là voọc được chị này mua lại từ dân. “Khi có hàng, họ sẽ gọi điện để mình tới lấy về. Tất cả đều đã được sấy khô như các anh thấy”.
Về số lượng, U. cho biết, quán mình không dám trữ đông nhiều, hàng hết thì nhập tiếp nhưng nếu khách có nhu cầu mua vẫn có hàng.
Để tăng tính thuyết phục, U. trực tiếp cầm một khúc thịt đen thui rồi xé thành sợi rồi giục chúng tôi… nếm thử. Nhưng ngay khi vừa đưa lên mũi, một mùi tanh nồng đã xộc thẳng lên rờn rợn, lấn át cả mùi thịt đã được sấy kỹ qua lò.
Rời quán Út N., chúng tôi tiếp tục liên lạc với một đầu mối khác tên N. qua sự giới thiệu của một thổ địa chạy xe đường dài người Phước Sơn. Sau khi đọc “mật mã” là tên người “dẫn mối”, N. ngay lập tức yêu cầu chúng tôi nhắn tin cho thuận tiện. Qua ứng dụng tin nhắn, N. gửi cho phóng viên nhiều hình ảnh, video ghi lại cảnh sấy khô thịt mà N. khẳng định là voọc. Thậm chí, N. còn yêu cầu phóng viên không dùng từ voọc để tránh… nhạy cảm.
“Trước đây, có người bán lẫn cả khỉ, nhưng với bạn hàng được giới thiệu, ai lại làm vậy. Anh lấy thịt tươi móc hàm thì rẻ hơn xíu, chỉ khoảng 400.000 đồng/cân. Nhưng khách phải đặt cọc, em mới làm vì hàng này khá kén”, N. quả quyết qua tin nhắn.
Khúc đùi được quảng cáo là đùi voọc sấy khô tại quán Út N. |
Khi thấy phóng viên ngần ngừ, N. gửi thêm nhiều sản phẩm được quảng cáo có nguồn gốc tự nhiên như nhím đá, nai rừng… đồng thời liên tục gọi điện giục chuyển khoản chốt hàng.
CAM KẾT HÀNG RỪNG XỊN CỦA "BÀ TRÙM" THỊT RỪNG BẮC TRÀ MY
Rời Phước Sơn, chúng tôi tiếp tục hành trình theo dấu thịt thú rừng tới huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đầu những năm 2010, đây được coi là “điểm nóng” về nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Vào thời điểm này, thịt thú rừng được bày bán công khai với lời khẳng định: Muốn bao nhiêu cũng có.
Sau một thời gian đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ động vật hoang dã, tình trạng đã “giảm nhiệt” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của cán bộ, nhân dân cũng như công tác thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã được nâng lên.
Thế nhưng, qua sự giới thiệu của đầu mối, phóng viên vẫn tiếp cận được một người phụ nữ tên N. với lời giới thiệu đây là “bà trùm” về thịt rừng tại Bắc Trà My. Muốn trực tiếp gặp bà N. để xem hàng phải gọi điện trước. Sau khi xác minh thông tin người này mới cho địa chỉ là một quán cafe nhỏ trên đường Võ Nguyên Giáp.
Mất chừng chục phút làm quen, bà N. cùng chồng mới dẫn chúng tôi vào nhà. Vừa đi, người phụ nữ này vừa cho biết, hiện nay, quán chỉ còn thịt dúi, heo và sóc. Đặc biệt, dúi và sóc này được “bảo đảm” hàng rừng 100%.
Nói đoạn, người đàn ông đi cùng bà N. khệ nệ xách ra một bao tải lớn rồi đổ ra sàn cho chúng tôi xem. Bên trong, ngoài vài bọc thịt heo, nai đã được xẻ ra thì còn nguyên 7 con dúi. Tất cả đều đã được cấp đông.
Thịt được quảng cáo là thú rừng được cấp đông và cất kín trong các bao tải tại cửa hàng của bà N. tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). |
“Hàng được mua từ người đi rừng, có con nào về là chúng tôi cấp đông con đó nên chất lượng rất bảo đảm”, bà N. quảng cáo.
Lúc này, chồng bà N. ra giá dúi rừng 450.000 đồng/1kg, sóc 320.000 đồng/1kg nhưng không chế biến mà chỉ bán đồ tươi mang đi. Khi thấy chúng tôi ngần ngại vì phải di chuyển xa, người bán tự giới thiệu rằng, mình vẫn thường xuyên chuyển hàng ra Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. "Cứ đóng thùng gửi đi, nhiều lắm cũng 100.000 đồng/thùng là cùng”, chồng bà N. cho biết.
Khi chúng tôi hỏi về voọc, chồng bà N. đáp: “Trước kia có, giờ thì không”. Nhưng để “giữ mối”, người đàn ông nhanh chóng bổ sung: "Cứ để lại Zalo, có anh điện ngay”.
Tiếp tục “vào vai” khách có nhu cầu tìm các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng để về… ngâm rượu, chúng tôi bất ngờ khi bà N. khẳng định mình có cao gấu loại “xịn” được bán theo lạng. Giá dao động từ 700.000 đồng cho tới vài triệu tùy chất lượng.
Thậm chí, người phụ nữ này còn gửi qua tin nhắn cho chúng tôi hình ảnh và video về tay, chân, các bộ phận nội tạng gấu đã được mổ xẻ, cân đong đo đếm rõ ràng. Giới thiệu một bộ 4 chân gấu vừa được chặt ra vẫn còn rớm máu, bà N. quảng cáo: "Gấu chị gửi thịt tươi cho em còn được. Đây, bộ này gửi đi Sài Gòn 25 triệu, người ta mua rồi".
4 chiếc chân gấu được N. gửi cho phóng viên để quảng cáo về các sản phẩm có nguồn gốc từ gấu. |
Thấy chúng tôi có vẻ ưng ý, bà N. bày cách sử dụng. Theo đó, cao gấu phải được ngâm với rượu nặng độ, ngâm trong 3 năm mới uống được.
“Năm đầu, mình ngâm nửa tháng là mình đổ đi rồi ngâm lại, dùng cho người bệnh thì phải chôn xuống đất. Có bình, chị còn để tới 9 năm”, bà N. cho biết.
Chỉ tay vào hình ảnh vừa gửi qua, bà N. cho biết mình còn bán móng gấu, móng và nanh cọp với giá dao động từ 700.000 đồng đến cả chục triệu đồng/sản phẩm.
Để cảnh giác, bà N. cho biết, sau khi trao đổi xong sẽ xóa hình trong tin nhắn và trong máy hòng tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Cũng trong chuyến thực tế tại huyện Bắc Trà My, phóng viên đã ghi nhận được vẫn còn tình trạng một số người lén lút bán móng gấu, móng hổ cho khách có nhu cầu. Cá biệt, một số đầu mối còn liên kết cùng các tiệm trang sức để bọc vàng, bạc để bán cho khách hàng.
KHẨN TRƯƠNG KIỂM TRA THÔNG TIN BÁO NHÂN DÂN CUNG CẤP
Ngay sau khi phát hiện sự việc, phóng viên đã liên lạc với cơ quan chức năng hai huyện Phước Sơn và Bắc Trà My.
Tiếp nhận thông tin từ Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Văn Tình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho hay: Tất cả các hộ kinh doanh tại địa bàn huyện này đã tiến hành ký cam kết tuyệt đối không tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã. Tuy nhiên, vừa qua, cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử phạt một số vụ việc liên quan đến động vật hoang dã.
Về thông tin xuất hiện các sản phẩm được quảng cáo là “voọc sấy khô”, ông Tình khẳng định hiện nay voọc tại Khâm Đức đã không còn, do đó chưa thể khẳng định thật, giả. Tuy nhiên, đơn vị sẽ khẩn trương tiến hành kiểm tra, làm việc với chủ cơ sở được phản ánh, đồng thời sẽ xử phạt nghiêm khi phát hiện vi phạm.
Trong khi đó, ông Trương Bá Lâm, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My cũng khẳng định: Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My đã đẩy mạnh việc tuyên truyền; yêu cầu các nhà hàng, quán ăn ký cam kết không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang xây dựng kế hoạch kiểm tra các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện.
Một chiếc móng gấu được một đầu nậu chào bán cho phóng viên tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) với giá 800.000 đồng. |
Về trường hợp có dấu hiệu buôn bán động vật hoang dã tại đường Võ Nguyên Giáp mà Báo Nhân Dân cung cấp, ông Lâm khẳng định sẽ sớm làm việc với chủ cơ sở; đồng thời sẽ thông tin lại ngay khi có kết quả.
Liên quan đến công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã tại Quảng Nam nói chung, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, tính từ năm 2020 đến tháng 6/2023, địa phương đã phát hiện và xử lý 92 vụ vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã (8 vụ vô chủ). Trong đó, đã xử lý 83 vụ vi phạm hành chính về hành vi mua bán, vận chuyển động vật rừng thông thường trái pháp luật thu giữ 1.576 cá thể, cứu hộ 1 cá thể Tê tê Java nằm trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm. Tổng số tiền xử phạt hơn 331,95 triệu đồng.
Cơ quan chức năng cũng đã thả lại môi trường tự nhiên với 1.229 cá thể và tiến hành tiêu hủy những cá thể đã chết, bị bệnh theo quy định...
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực các lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra, tịch thu các dụng cụ tự chế, gồm 1 súng cồn, 1 súng hơi và 9.921 bẫy dây dùng săn, bẫy bắt động vật rừng.
Một người đàn ông tại chợ Bắc Trà My sẵn sàng nhận bọc bạc, bọc vàng vào nanh hoặc móng gấu/hổ cho khách có nhu cầu. Thậm chí, người này khẳng định có sẵn nanh của hai loại động vật này nếu khách có nhu cầu. |
Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan Kiểm lâm trực thuộc chú trọng triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với các Sở ban ngành, Hội đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, quán triệt đến cán bộ công chức và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức hoạt động của ngành, các bản tin, buổi họp, tập huấn, hội nghị, hội thảo.
Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam đã chủ động tổ chức triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi hợp pháp hóa động vật có nguồn gốc trái phép, mua bán, vận chuyển, nuôi, nhốt, quảng cáo, tiêu dùng trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra xác định địa bàn trọng điểm thường xảy ra hoạt động mua bán, vận chuyển động vật hoang dã; lập danh sách các đối tượng có vi phạm, có dấu hiệu mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; từ đó có kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Buôn bán, tàng trữ các bộ phận cơ thể của gấu, voọc phạm tội gì?
Theo Luật gia Dương Kim Sơn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, gấu, voọc thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – Bộ luật hình sự).
Điều 244 quy định Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý như sau:
Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy theo trường hợp vi phạm.