Hiện nay, để tăng cường sức khỏe hoặc sưu tầm theo sở thích mà rất nhiều người đã lên mạng để tìm mua các sản phẩm như cao hổ cốt, rượu bìm bịp, rượu rắn hổ mang chúa... để sử dụng, nhất là sau khi dịch Covid-19 qua đi. Những người bị bệnh tin rằng, các sản phẩm từ động vật quý hiếm sẽ bồi bổ sức khỏe nhanh hơn các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp...
Bà Nguyễn Thị Hà, 60 tuổi, trú tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh là một trường hợp như vậy. Bà Hà chia sẻ, sau khi bị Covid-19 cơ thể tôi rất mệt mỏi, mỗi lần lên xuống cầu thang có cảm giác như “đánh vật” và thở dốc liên tục. Mang chuyện này kể với mấy ông bà hàng xóm, thì được tư vấn lên mạng mua mật gấu tươi về uống sẽ khỏe nhanh.
Qua tìm hiểu, hiện nay việc mua bán các động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, chỉ cần có nhu cầu thật sự, người mua và người bán dễ dàng kết nối và giao dịch thành công trên mạng. Cụ thể, nhiều người thích sưu tầm móng hổ, móng gấu,... làm đồ trang sức thì hay vào các trang Facebook như “Chuyên nanh, móng rừng các loại 3 miền”, “Móng hổ, móng gấu, hàng rừng quý hiếm”.
Tin tưởng những người hàng xóm và một phần cũng biết mật gấu rất quý nên bà Hà bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua 20 cc mật gấu trên mạng để dùng dần. Sau một tuần sử dụng bà cảm thấy mỏi mệt, vàng da và đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bà bị tổn thương nghiêm trọng gan, thận... do dùng mật gấu quá liều.
Bà Hà mua mật gấu về bồi bổ sức khỏe thì ông Vũ Hoàng Anh, 56 tuổi ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội lại có sở thích sưu tầm các loại động vật lạ, hiếm, độc đáo. Một lần lên mạng, ông mua được con gà lôi lam mào trắng của một người tự giới thiệu là bẫy được ở vùng rừng núi Quảng Bình. Con gà rất đẹp và được ông Hoàng Anh chăm sóc rất cẩn thận, nhưng ông đâu biết rằng đây là động vật có tên trong sách đỏ, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khi được bạn bè giải thích đây là động vật quý hiếm và tuyệt đối cấm mua bán, săn bắn nhưng ông vẫn cho rằng mình là người mua nên không vi phạm pháp luật, mà chỉ có người bán mới vi phạm... Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp mua bán trái phép động vật quý hiếm và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Qua tìm hiểu, hiện nay việc mua bán các động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, chỉ cần có nhu cầu thật sự, người mua và người bán dễ dàng kết nối và giao dịch thành công trên mạng.
Cụ thể, nhiều người thích sưu tầm móng hổ, móng gấu,... làm đồ trang sức thì hay vào các trang Facebook như “Chuyên nanh, móng rừng các loại 3 miền”, “Móng hổ, móng gấu, hàng rừng quý hiếm”.
Nếu mua mật gấu, cao hổ cốt thì vào Facebook “Hội mật gấu chính hãng”, “Cao hổ nguyên chất”... Truy cập vào những trang này, người mua dễ dàng tìm được các sản phẩm mình mong muốn, việc còn lại là liên hệ người bán để mặc cả, hình thức thanh toán và “nổ” địa chỉ nhận hàng.
Tuy nhiên, chất lượng các hàng hóa này chỉ có người bán là biết rõ nhất. Trong vai một người muốn mua chim bìm bịp để ngâm rượu bồi bổ sức khỏe, chúng tôi đăng tải vài dòng thông tin: “Mình ở Hà Nội. Mình cần mua bìm bịp về ngâm rượu.
Nếu ai có thì thông tin cho mình nhé!” lên trang Facebook Hội Chim Bìm bịp Việt Nam và được một tài khoản có tên Hưởng Hoa Hòe tư vấn rất nhiệt tình, đồng thời giới thiệu hiện có rất nhiều bìm bịp sống và để tủ đông. Giá bìm bịp sống là 150 nghìn đồng/con, 100 nghìn đồng/con là hàng đông lạnh.
Khi được hỏi vì sao giá chim bìm bịp đắt hơn giá giao bán tại các trang Facebook khác thì nhân vật này cho biết: “Bìm bịp của shop em đều là hàng già rừng 100%, ăn lá thuốc tự nhiên nên đắt hơn các shop mua bìm bịp non về cho ăn cám công nghiệp mọc đủ lông lá là bán. Hàng của em ngâm theo cặp trống, mái bảo đảm bình rượu ngâm của anh uống vào thì miễn chê”.
Theo ông Kiều Tư Giang (Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái), để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán trái phép các động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã trên không gian mạng, trước hết các ban, ngành, đoàn thể mỗi địa phương phải ngăn chặn các hành vi săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên địa bàn được quản lý, bởi đây là nguồn cung cấp chính cho người bán, người mua bán động vật và các sản phẩm từ động vật quý hiếm trên mạng.
Bên cạnh đó, các Chi cục kiểm lâm tỉnh nên chỉ đạo các hạt kiểm lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền đến cơ sở với nhiều hình thức như biên soạn, phiên dịch nội dung tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã bằng tiếng dân tộc để phát trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, bản; tổ chức in, cấp phát tờ rơi tuyên truyền tại cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh...; tích cực bám sát địa bàn, phối hợp các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ các đối tượng liên quan đến việc mua bán, săn bắt, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, nhất là trên không gian mạng.
Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo vệ động vật hoang dã gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Trong y học cổ truyền có rất nhiều vị thuốc, bài thuốc hay từ các loại cây-con trong tự nhiên có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng bệnh, đúng bài thuốc, đúng liều lượng thì không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các vị thuốc, bài thuốc, nên đến các bệnh viện hoặc các cơ sở y học cổ truyền để được các bác sĩ, lương y thăm khám, bắt mạch kê đơn và điều trị.
ThS, BS LÂM THÙY MAI
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y dược cổ truyền- Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hành vi mua bán trái phép các động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm theo quy định. Nếu là những loài động vật và sản phẩm từ động vật bị nghiêm cấm săn bắn, mua bán và vận chuyển vì nằm trong Sách đỏ Việt Nam như tê giác, hổ, gà lôi lam đuôi trắng, trĩ đỏ, sếu cổ trụi,... thì tùy theo mức độ vi phạm, tùy loài động vật và các sản phẩm từ động vật này mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo các điều luật và các nghị định, thông tư liên quan. Nếu đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ các Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý theo quy định...
Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)