Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022”, trong đó nhấn mạnh tỷ lệ các đối tượng vi phạm bị bắt giữ trong các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam đạt mức cao.
Báo cáo được phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022 được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV. Kết quả phân tích cho thấy Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Chuyển biến tích cực trong xử lý vi phạm
Cụ thể, theo nghiên cứu của ENV, trong năm 2022, 95% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ. 79% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ đã được đưa ra xét xử và kết án với một hoặc nhiều đối tượng có liên quan. Mức án tù trung bình cho tội phạm về động vật hoang dã là 3,01 năm.
Một cá thể cu-li người dân giao nộp cho cơ quan chức năng. |
Báo cáo này cho thấy những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, chia sẻ: “Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 rõ ràng đã cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018”.
Tỷ lệ các vụ án hình sự về Động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ trong giai đoạn 2014-2022. (Ảnh: ENV) |
Báo cáo cho thấy tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã đạt trung bình 92,2% (giai đoạn 2018-2022, sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực) so với tỷ lệ 84,6% (giai đoạn 2014-2017, trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực).
Trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV
Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử cũng tăng đáng kể. Trong bốn năm sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (2018-2021), trung bình tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%, tăng gần 30% so với giai đoạn trước khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực với mức trung bình chỉ đạt 62,2%.
Mức án tù trung bình cho một đối tượng phạm tội về động vật hoang dã trong năm 2022 là 3,01 năm, giảm so với mức án tù trung bình cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 là 4,45 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình ghi nhận vào năm 2017 là 1,21 năm, thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực.
Thách thức từ tình trạng buôn lậu qua các cảng
Tuy vậy, bà Hà cũng lưu ý, tình trạng buôn lậu động vật hoang dã qua các cảng hàng không và hàng hải vẫn là một thách thức lớn cần tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
“Kể từ năm 2015, cơ sở dữ liệu của ENV đã ghi nhận 34 vụ buôn bán động vật hoang dã phát hiện tại các cảng biển ở Việt Nam với gần 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị tịch thu. Đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các vụ việc này bị kết án”, bà Hà thông tin.
Ngà voi được thu giữ trong một vụ buôn bán động vật hoang dã. |
Cũng theo bà Hà, việc thu giữ các lô hàng tại cảng có thể phần nào làm gián đoạn hoạt động vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật chỉ có thể triệt phá hoàn toàn các đường dây buôn lậu động vật hoang dã nếu có thể bắt giữ thành công các đối tượng cầm đầu và áp dụng các biện pháp xử phạt thích đáng với những đối tượng này.
Theo ENV, việc duy trì mức án tù nghiêm khắc là điều cần thiết để khiến các đối tượng phạm tội phải cân nhắc trước khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đa dạng sinh học của Việt Nam.
Đại diện ENV dẫn thí dụ về bản án "kỷ lục" từng được tuyên dành cho tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Cụ thể, vào thời điểm năm 2021, đối tượng là Đỗ Minh Toản (sinh năm 1985, trú tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là “cò” khai báo Hải quan nhập khẩu tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Khoảng tháng 7/2019, Toản được một người thuê làm thủ tục kê khai hải quan nhập khẩu các lô hàng từ Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) về Việt Nam. Đỗ Minh Toản đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng thủ tục mở tờ khai hải quan theo loại hình E21, là loại hình nhập nguyên liệu để gia công, được phân vào luồng xanh-luồng miễn kiểm tra, để cất giấu toàn bộ số sừng tê giác trên nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Tang vật một vụ buôn lậu sừng tê giác trái phép. (Ảnh: Công an thành phố Hà Nội) |
Từ nguồn tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp cùng Đội Kiểm soát Hải quan Hà Nội và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 55 khúc sừng tê giác với tổng khối lượng 126,5kg trong số hàng trên.
Toản sau đó đã bị tuyên phạt 14 năm tù. Đối tượng đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo này.
Đến nay, bản án 14 năm tù kể trên cũng bản án cao nhất với tội phạm về động vật hoang dã từng được ghi nhận từ trước đến nay tại Việt Nam là một trong những thí dụ nổi bật cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng thành công pháp luật để trừng trị thích đáng các đối tượng thực hiện hành vi đe dọa đa dạng sinh học, đồng thời bảo đảm yếu tố răn đe với các đối tượng khác.