Buổi sáng mùa xuân sương chưa tan

Tôi đã từng nghĩ rằng, có viết bao nhiêu dòng, bao nhiêu trang cũng không thể đủ, không thể thỏa lòng về niềm yêu mến của tôi đối với cái cây ấy.

Minh họa: MINH PHÚ
Minh họa: MINH PHÚ

Lúc tôi mười, hay mười một gì đấy, tôi rất thích ngồi đan ở đầu hồi. Thích lắm. Ngày ấy, len hiếm, mẹ tôi thường dỡ những cái áo len cũ, rách, thủng ra, nhặt những đoạn len còn tốt, nối vào để đan lại. Áo, khăn, mũ. Những cái áo len đẹp mặt trước, còn mặt sau, bên trong, thì chi chít những cái mối nối đùn lên. Tôi xin mẹ những đoạn len thừa. Ngắn quá không bõ nối, thì mẹ cho tôi. Tôi tự vót một đôi kim đan. Vót từ một khúc vầu già. Bố tôi hay nói, nếu muốn vót tròn thì phải đẽo vuông. Tức là, muốn vót que đũa, hay que đan cũng vậy, thì phải chẻ miếng vầu cho nó vuông đã, vót dễ hơn, nhanh hơn. Vót xong, lấy chính cái phần sợi đã vót ấy, vo lại, nhét cây que đan vào trong, chuốt cho nó nhẵn thín, bóng loáng mới thôi. Xong một đôi que đan, nối được một đoạn len dài, tôi mang ra ngồi trước hiên nhà. Một đứa bé gái sửa soạn cho một buổi sáng mùa đông ngồi đan hẳn là phải tinh tươm lắm, tôi nghĩ thế. Mà tôi cũng chẳng biết đan gì, chỉ mong được một miếng chừng hai bàn tay, có pha mầu, có vài họa tiết, thế là vui lắm rồi.

Đầu hồi có một cây mận.

Ngồi đan, và ngắm cây mận. Lúc nào tôi cũng muốn làm hai việc này cùng với nhau.

Trời lạnh, gió từ trong khe núi thổi ra liên tục. Nhưng mà hôm ấy trời có nắng. Một ngày trời nắng hiếm hoi. Tôi ngồi ngay dưới tán cây. Cây mận rất già, da mốc meo, khô khốc. Bố tôi trồng nó xuống trong đúng cái ngày tôi chào đời. Gốc cây mận xù ra từng cục. Có một vết sẹo tròn tròn dưới gốc. Đấy là chỗ mà tôi hay buộc con chó.

Nắng lên, xiên qua cành cây đầy lá non. Những cành mận gầy in bóng trên nền sân. Vừa Tết xong. Hoa mận cuối mùa vẫn cố nở những bông trắng thật là trắng. Nhiều cành đã ra quả. Quả non xanh như lá, phấn bọc bên ngoài lại trắng như tuyết.

Tôi thích nhất là ngắm cây mận ở lúc mà nó vừa có hoa vừa có quả, những cái lá non xanh mướt như được quệt một lớp mỡ bằng chổi lông gà. Ấy là khi mùa xuân đến. Mùa xuân, cho dù năm nào cũng đến muộn, nhưng luôn luôn kịp để cây mận ra hoa, hoa rụng, còn lại những quả xanh non. Tôi có thể ngồi cả buổi ở hiên nhà, trong cái nắng vàng nhạt ấm áp, gió lạnh vẫn thổi băng qua trước mặt và đẩy tất cả mọi cái lá rụng về phía cuối sân. Mỗi khi một cánh hoa rơi xuống thì cây mận lại rùng mình một cái, như là nó bị đau. Thấy thương cây mận. Cây mận giống mẹ tôi, phải đổi vẻ đẹp của mình để lấy những đứa con. Lại nghĩ, liệu rồi mình có muốn giống cây mận kia không? Không biết. Lần nào ngồi dưới bóng của nó tôi cũng tự hỏi đi hỏi lại câu đó hàng trăm lần, trong mỗi buổi sáng không có sương mù che phủ, và cây mận tha hồ khoe vẻ đẹp của nó.

Tôi vẫn thế, luôn lẩn thẩn chơi một mình và rất thích những thứ mà tôi nghĩ rằng nó bị bỏ quên. Mấy bông hoa mận, một quả hồng cuối mùa mầu đỏ còn sót lại trên ngọn trong khi mọi cái lá thì đã rụng hết, một tổ chim có mấy con chim non…

Cây mận gầy thật là gầy. Những miếng vỏ già vỡ ra khiến thân cây đầy vết nứt, giống những vết nứt ở gót chân vào mùa đông. Bọn trẻ chúng tôi ở làng, chân đứa nào cũng nứt toác. Má cũng nứt. Nhưng gầy thì gầy, cây mận vẫn cho đầy quả.

Tôi ôm cái giỏ đựng đồ đan trước bụng, nhìn chằm chằm lên cây mận.

Nắng chiếu vào những hạt sương trong veo ở đầu cành làm cho nó sáng lấp lánh. Tôi đã nghĩ, mình cũng sẽ đính những hạt sương như thế lên chiếc áo len đầu tiên mà tôi đan được sau này. Chiếc áo của tôi sẽ chẳng giống ai. Có tìm khắp các chợ cũng không có chiếc thứ hai. Tôi sẽ đính cả những bông hoa bằng vải nhỏ tí trắng như hoa mận. Tôi sẽ là một bông hoa mận đang nở, trong một buổi sáng mùa xuân sương chưa tan…

Tôi đã lớn lên, từng tuổi một, bên hiên nhà và dưới gốc mận ấy. Cây mận ngày một già, những cành dài của nó trùm lên mái nhà. Sau những trận mưa to gió lớn, nó quật vỡ vài viên ngói. Tuổi thơ của tôi đã trôi đi, trôi đi, như một giấc mơ. Một giấc mơ không bao giờ cũ, nằm yên ở đó, và khi nào chạm đến thì thức dậy. Anh cả tôi lấy vợ, anh thứ tôi lấy vợ, những đứa cháu tập đi quanh gốc mận, và bố mẹ tôi cũng già đi bên gốc mận. Còn tôi, thì đi lấy chồng.

Cây mận ấy, già nua và cô đơn, im lìm lặng lẽ và khiêm nhường, tận hiến những gì có thể cho cả một gia đình, và cũng chứng kiến những biến động lớn nhất trong một gia đình. Khi tôi xa nhà, quay về, đi qua một khúc quanh, qua một cây cầu nhỏ, còn chưa nhìn thấy hai cánh cửa nhà mầu xanh thì đã nhìn thấy ngọn cây mận. Nó vẫn đứng đó, vươn ngọn lên trên mái nhà, và đang vươn lên cao để vẫy chào reo vui. Năm nào cây mận cũng ra hoa, ra quả. Càng già quả càng ít đi, nhưng càng ngon hơn. Giòn tan, ngọt lịm, và tôi luôn nhè hạt mận ra rồi vung tay vứt thật mạnh qua bờ rào. Ngoài đấy là rừng. Rừng đầy những sa nhân, sồi, dẻ, trám, giang, vầu… Một trong số những cuốn sách tôi thích nhất lúc nhỏ là “Những cuộc phiêu lưu của nam tước Munchausen”. Và một trong những câu chuyện tôi thích nhất trong cuốn đó, là ông nam tước này trong một cuộc đi săn, gặp một con hươu, ông giương súng lên nhưng hết đạn. Trong lúc đó ông đang ăn một quả hồ đào, và ông đã lấy cái hạt hồ đào ấy thay đạn. Munchausen đã ghim viên đạn - hồ đào lên trán con hươu. Năm sau ông quay lại, và bạn biết không, hạt hồ đào năm trước giờ đã mọc lên thành một cây hồ đào trĩu quả.

Tôi vứt hạt mận ra rừng, và luôn mơ mộng về một khu rừng đầy những cây mận, và cây nào cũng chi chít quả…

Năm tôi hai mươi tám tuổi, cây mận cũng hai mươi tám tuổi. Tôi rời nhà đi, cây mận vẫn đứng đó. Mười năm sau đó, bố mẹ tôi cũng rời đi. Cây mận không còn nữa. Nó đã quá già, nhưng không phải vì nó già, mà vì cái vị trí nó đứng khiến cho người chủ mới không thể dựng lên một ngôi nhà thật to. Người ta chặt bỏ nó đi.

Tôi muốn khóc lắm. Thật là thế. Tôi đã luôn tin rằng cây mận sẽ nhớ tôi biết bao, giống như tôi luôn nhớ nó. Một cái cây có linh hồn, mong manh, nhạy cảm, tinh tế, và trĩu nặng ân tình. Và vào mùa xuân này, như mấy chục mùa xuân đã trôi đi mất, tôi lại ngồi giữa phố xá và lặng yên nhớ về cái buổi sáng ngồi tỉ mẩn tập đan, và hoa mận thì lả tả rụng, như sương…