Bệnh nhân Nguyễn Đức H., nam, 51 tuổi, được chẩn đoán ung thư trực tràng di căn gan. Kết quả sinh thiết khối u trực tràng là ung thư biểu mô tuyến, không có đột biến gen KRAS hay BRAF, cũng như không bộc lộ gen dMMR.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, thông qua hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được hóa trị tiền phẫu theo phác đồ hóa chất kết hợp điều trị đích CapeOX + Bevacizumab và đánh giá lại sau 5 chu kỳ.
Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, khối u giảm kích thước, tổn thương gan khu trú tại hạ phân thùy 6 kích thước 34mm (đánh giá giai đoạn u là cT4N2M1 trước điều trị hóa chất và ycT4N0M1 sau điều trị hóa chất).
Bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt trực tràng, và toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn (Transanal Total Mesorectal Excision-TaTME), kèm cắt u gan hạ phân thùy 6. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định, phục hồi nhanh, ra viện sau mổ 7 ngày.
Bệnh nhân Triệu Xuân L., nam, 69 tuổi, được chẩn đoán ung thư đại tràng góc lách, đại tràng Sigma (u đại tràng 2 vị trí) di căn gan. Kết quả sinh thiết khối u đại tràng là ung thư biểu mô tuyến, không có đột biến gene KRAS hay BRAF cũng như không bộc lộ gen dMMR.
Thông qua hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được hóa trị tiền phẫu theo phác đồ hóa chất kết hợp điều trị đích CapeOX + Bevacizumab và đánh giá lại sau 2 chu kỳ. Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, thể hiện trên cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, khối u giảm kích thước, tổn thương gan khu trú tại hạ phân thùy 6 kích thước 2x3 cm.
Bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt đại tràng trái kèm cắt gan hạ phân thùy 6. Việc phẫu thuật nội soi có thể áp dụng với cả 3 vị trí tổn thương (2 u nguyên phát tại đại tràng và u thứ phát tại gan) chỉ trong 1 lần mổ giúp tối ưu so với mổ mở với đường mổ có thể rất dài (từ mũi ức đến xương mu), giúp bệnh nhân giảm đau đớn, phục hồi nhanh sau mổ, bảo đảm tối đa tính thẩm mỹ, ít biến chứng liên quan đến phẫu thuật về sau.
Đây là 2 trong một số trường hợp ung thư đại trực tràng di căn gan, cắt cả đoạn đại trực tràng và phần gan bị di căn chỉ trong một lần phẫu thuật nội soi hoàn toàn sau khi đã được điều trị hóa chất trước mổ đã được Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai điều trị phẫu thuật thành công.
Theo các chuyên gia tiêu hóa, ung thư đại trực tràng có thể xâm lấn các mô lân cận hoặc các mô ở xa qua hệ thống bạch huyết và máu. Theo thống kê, gan là vị trí di căn phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng với khoảng 25-30% các trường hợp.
Sự xuất hiện di căn gan trong quá trình tiến triển của ung thư đại trực tràng là một yếu tố tiên lượng xấu và là nguyên nhân chính gây tử vong. Nếu không điều trị thì thời gian sống trung bình kể từ khi phát hiện di căn gan chỉ là 9 tháng.
Khi u đại trực tràng đã di căn gan, thái độ xử trí trở nên phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong một nhóm đa chuyên khoa: chẩn đoán hình ảnh (cắt lớp, y học hạt nhân và can thiệp), Ung thư, Phẫu thuật gan mật, Phẫu thuật đại trực tràng và Mô bệnh học.
Cắt bỏ gan có thể được thực hiện bằng nội soi hoặc mở, cùng lúc hoặc không cùng lúc với phẫu thuật cắt đại trực tràng ở những bệnh nhân được chọn.
Đối với những bệnh nhân không thể cắt bỏ, các lựa chọn điều trị bao gồm hóa trị toàn thân, điều trị đích, truyền hóa chất động mạch gan, nút mạch hóa chất (TACE), đốt sóng cao tần (RFA) hoặc xạ trị trong chọn lọc (Selective Internal Radiation Therapy: SIRT), xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT) góp phần cải thiện khả năng sống sót và có thể chuyển giai đoạn từ ban đầu không thể cắt bỏ thành có thể phẫu thuật.
Việc phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng các phác đồ điều trị tiên tiến cũng như phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn (nội soi hoàn toàn) với các kíp phẫu thuật được đào tạo bài bản chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, không những mở ra cơ hội sống cho những trường hợp bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn đã di căn gan mà còn mang lại cho họ chất lượng cuộc sống.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với khoảng 2 triệu ca mắc mới mỗi năm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi. Số lượng mắc mới năm 2020 là 16.426 ca và số tử vong do ung thư đại trực tràng là 8.203 trường hợp.