Khởi sắc trên vùng đất Việt cổ
Lập Thạch là vùng đất lâu đời của người Việt cổ nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Hiếm huyện nào của tỉnh Vĩnh Phúc có đến 23 nhà khoa bảng. Thế đất hội tụ, thiên nhiên hiền hòa, con người hiếu nghĩa, tưởng như Lập Thạch phải có thế cất cánh, bay cao từ nhiều đời trước. Ấy thế nhưng, khi nghĩ về mảnh đất này, nhiều người thường liên tưởng đến những thứ cũ kỹ, đơn sơ, thô mộc. Kể như cái món bánh nẳng (còn gọi là bánh gio), hay bỏng gạo; món đất sét hun khói có từ thời Hùng Vương… Từ những ấn tượng đó, nên không ít người ngỡ ngàng khi lần đầu đến Lập Thạch. Ấn tượng mạnh nhất là đường nhựa, đường bê-tông nối liền những chòm, xóm từng thuộc Chương trình 135 dưới dãy núi Tam Đảo; hệ thống kênh đào, đường nội đồng, cũng phủ khắp những ruộng lúa, nương dâu, vườn cây ăn trái…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Điểm nghẽn” lớn nhất của Lập Thạch chính là thiếu cơ sở hạ tầng công nghiệp. Có một điều lạ là mặc dù giao thông thuận lợi, song Lập Thạch chưa có hạ tầng công nghiệp xứng tầm. Trong khi đó, trên quốc lộ vẫn tấp nập những xe hàng cỡ lớn đi về huyện khác. Lập Thạch có nút giao thông Văn Quán kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với TP Vĩnh Yên và quốc lộ 2, vị trí của huyện là nằm trên huyết mạch giao thông. Tài nguyên đất có thể khai thác làm khu công nghiệp của huyện cũng rất lớn, lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề. Như vậy “điểm nghẽn thứ phát” có lẽ nằm ở khâu quảng bá, chào mời nhà đầu tư.
Rút kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, ngay năm đầu nhiệm kỳ này, Huyện ủy đã chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh; tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được thúc đẩy phát triển mạnh. Mặc dù phần lớn hoạt động sản xuất chỉ là gia công sản phẩm công nghiệp phụ trợ, hàng mộc, mây, tre đan… nhưng năm 2020 đã đạt giá trị hơn 320 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy nhận thức của người dân cũng thay đổi theo tầm nhìn của người đứng đầu cấp ủy.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, huyện chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Hai thị trấn là Lập Thạch và Hoa Sơn đã có quy hoạch chi tiết; ngoài ra dự án các khu đô thị Xuân Lôi, Văn Quán, Bàn Giản, Hợp Lý cũng đã được phê duyệt. Huyện có toàn bộ 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang triển khai thí điểm hai xã và hai thôn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Chúng tôi về thăm thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, nơi trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, do đất bạc màu, người dân chỉ “chuyên canh” cây bạch đàn và sắn. Đến năm 2010, sau nhiều năm tìm tòi, thí điểm, xã mạnh dạn chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Được sự thống nhất, ủng hộ của huyện, đến năm 2013, xã mở rộng vùng cây thanh long lên 100 ha; năm 2016, sản phẩm thanh long ruột đỏ được trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Mô hình của Vân Trục được nhân rộng ra nhiều xã khác. Đến nay, tại Lập Thạch có 300 ha trồng loại cây ăn quả này, năm 2019 được cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP, xếp hạng ba sao. Điều đáng nói sau câu chuyện của một mô hình kinh tế hiệu quả là sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của nhiều thế hệ người đứng đầu cấp ủy.
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) mang nhiều kỳ vọng về sự phát triển của quê hương Lập Thạch, đó cũng là chủ đề của đại hội: Phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí, khát vọng, tạo đột phá về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó, Huyện ủy Lập Thạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá kinh tế; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành và phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh; thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển nông nghiệp hàng hóa, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Bí thư Huyện ủy Hà Đình Nhã, cho biết: Ngay sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới đã khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đưa huyện phát triển nhanh và bền vững. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đồng chí ủy viên đối với từng lĩnh vực để thường xuyên báo cáo Huyện ủy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, nhất là những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết để có cách tháo gỡ, khắc phục kịp thời. Trong đó, trọng tâm là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kêu gọi đầu tư, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Huyện ủy đã thành lập 20 tổ công tác, hằng quý dự sinh hoạt chi bộ nông thôn, hằng tháng dự họp với đảng ủy xã để nắm bắt, theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng các nguồn lực, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững; phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của huyện trong thời gian tới.
Thời gian tổ chức thực hiện nghị quyết chưa nhiều, nhưng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả theo tinh thần đại hội đề ra, Lập Thạch đã có bước tạo đà đúng đắn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa ý chí của toàn đảng bộ, xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững.
Bước tạo đà của Lập Thạch
Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu tiềm năng phát triển. Với tinh thần và khát vọng vươn lên, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Huyện ủy đã nhanh chóng hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chương trình hành động, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục. |