Mỗi khi đi làm các loại giấy tờ, thủ tục, chị Nguyễn Minh Thúy ở phố Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội) đều phải đến ký trực tiếp. Nhưng mới đây, chị đã được cán bộ tại Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân quận Hà Đông hướng dẫn và tạo chữ ký số miễn phí. Nhờ chữ ký số, chị có thể thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử, kê khai thuế... ở bất kỳ nơi nào, lúc nào mà không cần tới tận nơi, in ra giấy ký trực tiếp như trước.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố đang phối hợp các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã... Đến nay, đã cấp được khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc thành phố.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, việc cấp chữ ký số cho công dân là một trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số mà thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai. Nghị quyết số 18-NQ/TU đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung.
Về dữ liệu số, hiện Hà Nội là một trong số các địa phương đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến ba cấp trực thuộc.
Chỉ trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố như hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính… đã hoàn thành. Việc tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đang được triển khai. 100% số các cơ quan nhà nước của thành phố đã thực hiện mở dữ liệu.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính… đã và đang dần hình thành. Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục, thành phố tiếp tục duy trì Hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp, đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Trong lĩnh vực thuế, việc khai thuế điện tử được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; hơn 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử…
Về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Cùng với đó, thành phố tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN đến tất cả 579 xã, phường, thị trấn; kết nối mạng tin học của thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, liên thông các hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ xuyên suốt đến thành phố.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan tiếp tục được duy trì, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện. Một số huyện như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì… còn gặp khó khăn về nguồn lực, đang được thành phố rà soát để hỗ trợ nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số…
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế, bất cập như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử vận hành còn nhiều lỗi, gây khó khăn trong thực hiện. Nhiều nhiệm vụ như số hóa dữ liệu hồ sơ, ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ… chưa hoàn thành theo lộ trình đề ra.
Nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Quan trọng nhất, nhận thức của cấp ủy đảng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số còn hạn chế, bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số. "Khi nào chúng ta còn "khoán trắng" công tác chuyển đổi số cho cán bộ tin học, trung tâm tin học thì lúc đó chuyển đổi số còn thất bại. Chỉ khi nào nhận thức được chuyển đổi số là "sống còn", bản thân chúng ta phải tự muốn đổi mới trong từng lĩnh vực, từng khâu để năng suất cao hơn thì khi đó chúng ta mới thành công được. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, tạo đột phá trong chuyển đổi số, thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp" - đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.