Với việc thông qua nghị quyết về AI, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong thiết kế, phát triển và sử dụng AI. Đại hội đồng kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc và các bên liên quan kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống AI không phù hợp luật nhân quyền quốc tế hoặc gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền.
Liên hợp quốc cũng hối thúc các quốc gia, khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành, quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Nghị quyết đề nghị các bên hợp tác, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ có thể tiếp cận toàn diện và công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số.
Ghi nhận tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nghị quyết cũng chỉ ra mặt trái của AI nếu thiếu cơ chế quản trị phù hợp, nhất là nguy cơ bị lạm dụng vào mục đích xấu, làm xói mòn tính toàn vẹn của thông tin, cản trở phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế-xã hội và môi trường, làm gia tăng bất bình đẳng…
Vấn đề cấp thiết
Đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AI nhằm điều chỉnh hoạt động liên quan công nghệ này, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những cơ hội và cả trách nhiệm trong việc quản trị AI, thay vì để AI chi phối con người. Đây là vấn đề ngày càng cấp thiết, đòi hỏi các nước phải có tư duy và chiến lược phù hợp, hướng tới việc phát triển và ứng dụng công nghệ AI một cách chủ động, có trách nhiệm, bền vững, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển, AI đã có những bước tiến vượt bậc và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống kinh tế-xã hội. Đáng chú ý, với sự xuất hiện của công cụ ChatGPT, công nghệ AI tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), AI có khả năng thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 14% vào năm 2030; tăng 40% năng suất lao động. Riêng AI tạo sinh có thể đóng góp 4.400 tỷ USD, giúp cắt giảm 60-70% thời gian làm việc.
AI làm thay đổi mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội, cách thức con người sinh hoạt, làm việc, từ đó đặt ra thách thức mới trong quản trị và xây dựng khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh các vấn đề và mối quan hệ mới. Một trong những thách thức chính là xác định trách nhiệm và địa vị pháp lý trong ứng dụng AI, nhất là trong trường hợp xảy ra sai sót, tranh chấp liên quan tính mạng con người hay quyền sở hữu trí tuệ. AI hỗ trợ mạnh mẽ việc quản lý xã hội, song cũng nảy sinh quan ngại về vấn đề tự do cá nhân, lạm dụng kiểm soát…
Khả năng sử dụng AI tạo ra các nội dung giả mạo, thiên lệch có chủ đích, độc hại, làm nổi lên nguy cơ dư luận bị định hướng, dẫn dắt phục vụ mục đích chính trị, về lâu dài có thể làm suy giảm lòng tin vào tin tức. “AI ngoài tầm kiểm soát” là vấn đề hầu hết các chính phủ đều lo ngại. Ngoài ra, còn có quan ngại về khả năng trong tương lai xa AI tự phát triển trí tuệ tương tự con người.
Hành động toàn cầu
Tiến trình xây dựng khuôn khổ quản trị AI ở cấp độ quốc gia và toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức, do việc xây dựng pháp luật không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ nói chung và AI nói riêng. Nhiều nước, trong đó có cả Mỹ và các thành viên Liên minh châu Âu (EU), đang tìm cách hạn chế những rủi ro từ công nghệ này. Trung Quốc đã hoàn thiện các quy tắc đầu tiên về việc quản lý lĩnh vực AI tạo sinh. EU đã chính thức thông qua đạo luật kiểm soát AI.
Với tuyên bố sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho hành động toàn cầu trong việc ứng dụng AI, Chính phủ Mỹ mới đây công bố các biện pháp bảo vệ cụ thể khi các cơ quan chính phủ ứng dụng công nghệ AI. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh rằng, tất cả các cơ quan liên bang Mỹ phải công bố một cách minh bạch danh sách các hệ thống AI mà họ sử dụng, đi kèm với các giải pháp quản lý rủi ro khi ứng dụng công nghệ này, như theo dõi, đánh giá và kiểm tra tác động của AI đối với công chúng và giảm rủi ro phân biệt đối xử về mặt thuật toán.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan liên bang tại Mỹ cũng phải chọn ra một “giám đốc AI” có chuyên môn để bảo đảm rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm. Theo kế hoạch, ngày 1/12 tới sẽ là thời hạn chót để các cơ quan thuộc Chính phủ liên bang Mỹ áp dụng chính sách sử dụng AI nêu trên. Nhà Trắng cũng lên kế hoạch thuê 100 chuyên gia trong lĩnh vực AI để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này một cách an toàn, ở cấp độ liên bang.
Sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về AI là dấu mốc mang tính bước ngoặt, đúng thời điểm, có ý nghĩa quan trọng và to lớn đối với thế giới. AI mang lại lợi ích to lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống con người, song một số ứng dụng của AI tạo ra những rủi ro, có thể gây hại cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, ở cả quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, thể hiện trách nhiệm cao trong việc phát triển công nghệ AI theo hướng an toàn, công bằng và bền vững.
Trước bộn bề nhiệm vụ để có thể cụ thể hóa nghị quyết về AI mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, các nước cần tiếp tục cùng nhau xây dựng khung khổ pháp lý và phát triển công nghệ nhằm quản trị AI. Các quốc gia có nền tảng, hạ tầng và chiến lược đầu tư sẽ vượt xa các nước mới hội nhập với AI. Vì thế, cần có cơ chế hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Điều đó mới có thể giúp đạt được kỳ vọng như nghị quyết đề ra là AI an toàn, tin cậy, bền vững và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, không ai bỏ lại phía sau.