Đạo đức kỹ thuật số trong kỷ nguyên AI

Tốc độ phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra hàng loạt thách thức liên quan đạo đức kỹ thuật số và việc sử dụng AI, đặc biệt là trong giáo dục. Khi công nghệ ngày càng hiện hữu quanh mọi lĩnh vực của đời sống, các chuyên gia cho rằng giảng dạy đạo đức kỹ thuật số trở thành một yêu cầu tất yếu trong nhà trường.
0:00 / 0:00
0:00
AI đang hiện diện ngày càng nhiều trong môi trường giáo dục. Ảnh: INDICEDUCAION
AI đang hiện diện ngày càng nhiều trong môi trường giáo dục. Ảnh: INDICEDUCAION

Ứng dụng AI trong giáo dục

Vừa qua, sự kiện một trường trung học ở Anh bổ nhiệm chatbot lấy tên là Abigail Bailey làm “Hiệu trưởng AI” của trường đã gây tranh luận về cách thức và mức độ sử dụng AI trong ngành giáo dục. Theo Telegraph, Trường tư thục Cottensmore ở Anh đã sử dụng công nghệ chatbot tương tự ứng dụng đình đám ChatGPT để hỗ trợ Hiệu trưởng Tom Rogerson trong các công việc đòi hỏi tổng hợp thông tin và xử lý dữ liệu. Như vậy, việc “bổ nhiệm” AI không thay thế các công việc quản lý của Hiệu trưởng Rogerson mà sẽ bổ sung cho nhiệm vụ của ông.

Theo đó, “Hiệu trưởng AI” Bailey là một chatbot sử dụng công nghệ tương tự ChatGPT, song được lập trình đặc thù để tổng hợp và hệ thống hóa những kiến ​​thức chuyên môn về máy học (machine learning) và quản lý giáo dục. Về cơ bản, chatbot này sẽ được sử dụng như trợ lý ảo, “cánh tay phải” của Hiệu trưởng Tom Rogerson, cung cấp hướng dẫn và “tư vấn” bằng cách trả lời những yêu cầu chẳng hạn như soạn thảo nội quy, đề ra các tiêu chuẩn, chính sách chất lượng giáo dục…

Ngoài ra, văn phòng trường Cottesmore cũng chỉ định một chatbot lấy tên là Jamie Trainer làm “Trưởng phòng AI”. Cả “Hiệu trưởng AI” và “Trưởng phòng AI” đều tự tạo ra hình ảnh đại diện là khuôn mặt 3D để thuận tiện khi trao đổi thông tin với những người sử dụng. Ngôi trường này cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chiến lược ứng dụng AI bằng việc giảng dạy cho học sinh trong trường sử dụng các trợ lý AI cá nhân, qua đó giúp các em tìm hiểu các phương pháp học tập tiến bộ.

Hiệu trưởng Rogerson cũng giải thích thêm rằng: “Những công nghệ đột phá đang giúp nhà trường hướng tới tương lai giáo dục mới trong khi vẫn bảo tồn các giá trị cốt lõi của giáo dục truyền thống. Việc ứng dụng AI không phải để thay thế giáo viên mà nhằm nâng cao năng lực của họ và bảo đảm học sinh nhận được nền giáo dục tốt nhất có thể. Tất cả các chương trình sử dụng AI đều phải gắn kèm tên của hai chatbot. Chúng tôi đưa điều này vào quy định ứng xử về đạo đức kỹ thuật số của trường Cottesmore”.

Đạo đức kỹ thuật số trong kỷ nguyên AI ảnh 1

Giảng dạy đạo đức kỹ thuật số trong trường học là việc làm cần thiết. Ảnh: GETTY

Giảng dạy đạo đức kỹ thuật số

Câu chuyện trên chỉ là một trong số nhiều trường hợp dẫn chứng cho việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận và nhận nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi trong các diễn đàn về ứng dụng AI trong học thuật thời gian qua. Các nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều quan điểm và nghiên cứu mới về xây dựng thế hệ công dân số của tương lai, trong đó có đề cập yêu cầu giảng dạy đạo đức kỹ thuật số trong nhà trường, đặc biệt là ở giảng đường đại học.

Nhiều học giả đã cảnh báo việc sử dụng và sáng tạo bằng AI không phải lúc nào cũng có tác động tích cực đến giáo dục nếu không đi cùng các quy tắc ứng xử trong khai thác và sử dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng. TS ngành Khoa học chính trị Christel Dior Tamegui từ Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3 dẫn nghiên cứu cho thấy đang có sự mất cân đối giữa việc sử dụng các ngôn ngữ trên toàn cầu để “huấn luyện” AI.

Hiện nay các lập trình viên ở mỗi quốc gia khi huấn luyện AI thường lấy thông tin, dữ liệu từ các nguồn thông tin đã số hóa gồm văn bản, đoạn ghi âm, hội thoại, phim ghi hình… Thống kê cho thấy, khi so sánh các ngôn ngữ được sử dụng trên các trang web trên khắp thế giới và tỷ lệ người dùng internet thì có tới hơn 63% số trang web được xuất bản bằng tiếng Anh. “Ngôn ngữ của quê hương đại văn hào Shakespeare đang thống trị internet”, TS Dior Tamegui chỉ ra.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 26% người dùng internet nói tiếng Anh, sự chênh lệch này thể hiện một tỷ lệ mất cân đối nhất định giữa ngôn ngữ của nội dung trên không gian số và ngôn ngữ mà người dùng đang nói hằng ngày. Nếu không có những phương thức và bộ quy tắc đạo đức nhằm cân bằng thông tin đầu vào để huấn luyện AI, chẳng hạn như tài liệu văn bản, đoạn hội thoại, ghi âm, ghi hình…, thì việc lạm dụng công nghệ thông tin hiện nay có thể dẫn đến bất bình đẳng về tiếp cận trong nhiều lĩnh vực không riêng gì giáo dục.

Trong nghiên cứu xuất bản năm 2009, nhà khoa học máy tính Rafael Cappurro đã mô tả đạo đức kỹ thuật số là “tác động của công nghệ thông tin và truyền thông với xã hội khi xem xét những yếu tố được xã hội và đạo đức chấp nhận”. Rafael Capurro là một nhà toán học và nhà khoa học máy tính người Chile, nổi tiếng với các công trình về AI, khai thác dữ liệu và truy xuất thông tin. Nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển các mô hình phân tích và thuật toán để giải quyết các vấn đề phân tích dữ liệu phức tạp, bao gồm phát triển thuật toán Capurro để đo lường sự giống nhau giữa các tài liệu văn bản.

Bà Angeliki Kordoni, Điều phối viên đào tạo, Khoa Ngoại ngữ tiếng Pháp, Đại học Sorbonne Abu Dhabi (UAE) nhấn mạnh, thay vì cấm sinh viên sử dụng các công cụ AI, các nhà giáo dục cần bảo đảm sinh viên hiểu cách sử dụng AI và sử dụng AI có trách nhiệm thông qua các chương trình đào tạo có tích hợp giảng dạy đạo đức kỹ thuật số. Điều này nhằm khuyến khích tư duy phản biện và sử dụng công nghệ một cách nguyên tắc và hiệu quả, chẳng hạn như yêu cầu về việc bảo vệ tác quyền đối với các sản phẩm do AI tạo ra.

Ngoài ra, một số ý kiến ghi nhận giảng viên có thể yêu cầu học viên của mình xem xét và kiểm chứng chất lượng của các kết quả mà AI tạo ra bằng cách đề xuất những bộ câu hỏi kiểm tra, như “liệu công cụ này có vi phạm quyền bảo mật dữ liệu, sở hữu trí tuệ hay bản quyền không”. Việc lồng ghép đạo đức kỹ thuật số vào chương trình đào tạo góp phần hướng đến sử dụng các công cụ AI một cách có trách nhiệm và minh bạch. Sinh viên cũng cần học phương pháp nhận biết những hạn chế của công cụ này, vì AI chỉ hiệu quả trong một phạm vi về thời gian và không gian nhất định. Bà Kordoni dẫn chứng, công cụ AI có nguy cơ “thiên vị” về ngôn ngữ sử dụng, do ảnh hưởng của dữ liệu đầu vào bị ngôn ngữ chi phối. Xu hướng này phát sinh do mô hình AI chỉ phân phối xác suất trên một chuỗi từ ngữ sử dụng trong nguồn dữ liệu đã thu nạp trước đó tạo thành.

AI có thể mang lại nhiều cơ hội để tăng cường thực hành trong giáo dục, song những tác động và rủi ro về mặt đạo đức cũng phát sinh từ việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Bởi vậy các cơ sở giáo dục có trách nhiệm đào tạo kỹ năng để học sinh, sinh viên của mình trở thành công dân kỹ thuật số có năng lực và đạo đức trong tương lai.