Bức xúc cầu không đường dẫn ở Bạc Liêu

Thời gian qua, nhiều cán bộ, nhân dân ở Bạc Liêu rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt cây cầu xây dựng dở dang; nhiều cây cầu xây xong đã lâu nhưng không có đường dẫn, không sử dụng được hoặc cầu đưa vào sử dụng lại đe dọa an toàn giao thông, gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Cầu Giá Rai (Bạc Liêu) do Tổng công ty Cienco 4 thi công đã xong phần cầu, nhưng không có đường dẫn.
Cầu Giá Rai (Bạc Liêu) do Tổng công ty Cienco 4 thi công đã xong phần cầu, nhưng không có đường dẫn.

Hàng loạt cầu không đường dẫn

Cầu Giá Rai, cây cầu được cho là "hoành tráng" và đẹp nhất tỉnh Bạc Liêu chính thức khởi công xây dựng ngày 15-2-2012. Cầu Giá Rai bắc ngang sông Bạc Liêu - Cà Mau, nối liền quốc lộ 1A với huyện Ðông Hải, tổng mức đầu tư ban đầu gần 650 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình này do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bạc Liêu làm chủ đầu tư, Tổng công ty Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) thi công, theo kế hoạch cuối năm 2013 hoàn thành đưa vào sử dụng. Song đáng buồn, mặc dù cầu đã được xây dựng xong hơn một năm nay, nhưng do không có đường dẫn nên đành... bỏ hoang, gây lãng phí lớn và sự bức xúc trong nhân dân!

Cũng tại huyện này, tuyến đường Giá Rai - Phó Sinh dài hơn 18 km, nối hai huyện Giá Rai và Phước Long (Bạc Liêu) là tuyến huyết mạch đi qua các huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)... được khởi công đến nay đã hơn 12 năm. Trong đó, đoạn cuối từ xã Phong Thạnh (huyện Giá Rai) đi Phó Sinh (huyện Phước Long) hơn mười năm qua luôn là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua.

Ngày 25-9, chúng tôi trực tiếp trở lại xã Phong Thạnh (huyện Giá Rai) để tìm hiểu rõ hơn tình hình. Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Ðặng Tấn Hoài không kìm nổi sự bức xúc cho biết: "Tuyến đường trên được khởi công từ năm 2001, còn bốn cầu trên tuyến được khởi công từ năm 2008, hơn 10 năm nhưng tuyến đường vẫn chưa hoàn thành. Ðáng lưu ý, trên địa bàn xã Phong Thạnh hiện còn ba cây cầu, đó là: Bà Tiết, Lẫm Cháy và Ranh Hạt xây dựng dở dang rồi bỏ hoang. Ngoài ba cây cầu nêu trên, còn cây cầu Một Ngàn (thuộc địa bàn huyện Phước Long) cũng xây dựng dở dang như vậy. Tất cả bốn cây cầu này đều do Sở GTVT Bạc Liêu làm chủ đầu tư".

Tại thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), cây cầu Phước Long 2 có chiều dài 417,70 m; rộng 11 m, xây xong đã lâu, rất hoành tráng, nối liền Bạc Liêu - Kiên Giang, vốn đầu tư ban đầu hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng vẫn chưa làm đường dẫn, nên cũng chưa thể chính thức thông xe...

Cầu Bà Tiết (huyện Giá Rai) xây dựng dở dang hơn năm năm qua.

Khổ vì cầu

Những tưởng nhiều cây cầu xây xong sẽ giúp người dân địa phương đi lại thuận lợi hơn, thế nhưng nghịch lý tại Bạc Liêu là nhiều cây cầu do thiết kế gầm quá thấp, gây ra nhiều hệ lụy cho người lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ðiển hình là cây cầu Vĩnh Hưng A, được xây dựng tại địa phận xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Cây cầu này bắc ngang con đường từ trung tâm huyện Hồng Dân ra quốc lộ 1A. Theo quy định, gầm chiếc cầu này phải cao trên 4,5 m, nhưng để giảm tiền đầu tư, Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho đơn vị thiết kế và thi công hạ xuống chỉ còn hơn 2 m và làm đường vòng tránh.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cây cầu nêu trên được khởi công xây dựng năm 2010, sau nhiều năm thi công "ỳ ạch", hiện đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình rồi tạm ngừng. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân là do hết tiền. Vì vậy, việc làm đường vòng tránh cũng chưa xong, không có biển báo. Ðêm 9-8 vừa qua, chiếc xe khách biển số 83N- 3505 (thuộc tỉnh Sóc Trăng), do tài xế không quen đường, chạy ban đêm với tốc độ cao nên đã chui vào gầm cầu, bị "xởn" toàn bộ phần nóc xe, làm cho tất cả 19 người, gồm hành khách và lái xe bị thương.

Tại xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long (Bạc Liêu), có cây cầu Thầy Thép trên đường Quản Lộ - Phụng Hiệp dài hơn 45 m; rộng 8 m, bắc ngang con đường chính của xã. Cầu chỉ cao khoảng 2 m, gây ách tắc giao thông và giống như... "cái bẫy" rất nguy hiểm đối với những người lái xe ô-tô chưa quen tuyến đường này, nhất là đi lại vào ban đêm. Nhiều cán bộ, nhân dân ở xã Vĩnh Phú Ðông và huyện Phước Long bức xúc, cho biết: "Từ ngày có cầu, nhân dân đi lại khó khăn hơn, nhất là nông dân muốn đưa máy móc ra ruộng, hoặc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đều vướng cầu, không thể đi được".

Ðùn đẩy trách nhiệm

Về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra dưới cầu Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi đêm 9-8, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Hằng An giải thích rằng "đã cắm biển báo đường rẽ", đồng thời việc xây gầm cầu thấp để giảm tiền đầu tư là làm theo "chủ trương của tỉnh". Tuy nhiên, chúng tôi được biết, lúc tai nạn xảy ra, đoạn đường rẽ này không còn biển báo. Về vụ việc này, lãnh đạo Sở GTVT Bạc Liêu cho biết, đã phê bình tổ đi kiểm tra khi thấy mất biển báo mà không khắc phục.

Khi có dự án làm cầu, đường thì đơn vị nào cũng "tranh giành" làm chủ đầu tư. Nhưng khi sai phạm, tắc trách gây hậu quả lớn như trường hợp nêu trên thì đơn vị nào cũng tìm mọi cách... đùn đẩy trách nhiệm. Ngày 25-9-2014, trả lời câu hỏi của phóng viên (PV) Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu Ngô Hữu Dũng cho biết, cây cầu nêu trên ở xã Vĩnh Hưng A, chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Lợi. Vì vậy, trách nhiệm chính thuộc về huyện này. Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với PV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Lợi Nguyễn Mạnh Niêm nói rằng: "Ðây là vấn đề tế nhị, khó nói lắm (?). UBND huyện làm chủ đầu tư xây dựng cây cầu sập, song, việc quy hoạch, thanh tra, kiểm tra và phê duyệt về thiết kế, kỹ thuật thi công là Sở GTVT. Hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét, làm rõ trách nhiệm thuộc đơn vị nào...".

Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ: "Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật; bảo đảm cấp kỹ thuật đường bộ, cảnh quan, bảo vệ môi trường". Mặt khác, "Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn". Nếu tuân thủ những quy định nêu trên, chắc rằng đã không có chuyện xây cầu kiểu lạ lùng và tắc trách nêu trên; đồng thời cũng không có chuyện thiếu biển báo để không ít người đi đường phải "vướng bẫy" tai nạn đau lòng...

Ðề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến những trường hợp nêu trên. Ðồng thời, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm khắc phục tình trạng hàng loạt cây cầu xây xong nhưng không sử dụng được vì không có đường dẫn; nhiều cây cầu xây dựng không đúng quy cách, cản trở giao thông.

Có thể bạn quan tâm