Brazil: Rạn san hô trên đại dương đứng trên bờ vực nguy cấp

Theo nghiên cứu của Viện Coral Vivo Brazil, các rạn san hô ngoài khơi và ở các đảo trên vùng biển Đại Tây Dương của Brazil đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng Trái Đất nóng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Cận cảnh các rạn san hô bị tẩy trắng. (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo/TTXVN)
Cận cảnh các rạn san hô bị tẩy trắng. (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo/TTXVN)

Nghiên cứu được các nhà khoa học Brazil thực hiện trong vòng một năm trên khu vực dọc bờ biển dài 2.600 km cho thấy nhiệt độ nước biển tăng trong năm 2024 do tình trạng biến đổi khí hậu, gây nên hiện tượng san hô bị chết và tẩy trắng hàng loạt.

Chuyên gia hải dương học Miguel Mies, thuộc Viện Coral Vivo, nhấn mạnh vào năm 2019, tại Brazil đã ghi nhận tình trạng tẩy trắng hàng loạt đầu tiên nhưng hiện tại, tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt là ở vùng đông bắc quốc gia Nam Mỹ này.

San hô lửa (Millepora alcicornis), một loài rất quan trọng ở Brazil, đã giảm 90% do bị tẩy trắng trong năm nay, mức tương đương so với năm 2019. Loài san hô buồm (Mussismilia hartti), loài đặc hữu của Brazil, đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã chết rất nhiều trong năm nay và trong năm 2019.

Ông Miguel Mies bày tỏ hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Brazil mà xảy ra trên toàn thế giới. Tình trạng tẩy trắng rạn san hô toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục trong năm 2024. Các rạn san hô là nơi sinh sống của một phần tư các loài sinh vật biển, cung cấp nơi trú ẩn, thức ăn và nơi sinh sản cho hàng nghìn loài.

Nhà khoa học Miguel Mies cảnh báo cái chết của san hô có thể làm gia tăng nạn đói và bất bình đẳng vì nó có xu hướng gây ra tình trạng thiếu lương thực. Ông kêu gọi thế giới tập trung giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu tình trạng Trái Đất nóng lên.