Vườn quốc gia Tà Đùng được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở chuyển đổi và nâng hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng trước đây. Đơn vị được giao quản lý tổng diện tích tự nhiên hơn 20 nghìn ha, nằm trải rộng trên địa phận giáp ranh với 7 xã thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Vườn quốc gia Tà Đùng với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn, một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học luôn được đơn vị thực hiện quyết liệt, đặt lên hàng đầu, nên liên tục trong nhiều năm qua trên lâm phần bảo vệ Vườn quốc gia Tà Đùng không xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã, đa dạng sinh học được bảo vệ tối đa, trong 10 năm qua trên lâm phần Vườn Quốc gia Tà Đùng quản lý không xảy ra cháy rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng Nguyễn Văn Đồng cho biết, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị hiện có 37 người, bao gồm lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại 4 Trạm Kiểm lâm và 1 Tổ cơ động. So với diện tích được giao quản lý thì nguồn nhân lực hiện tại còn rất mỏng. Bên cạnh đó, với địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, lượng dân di cư ngoài quy hoạch diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân có lịch sử canh tác lâu đời đang sinh sống trong vùng lõi nên rất khó quản lý, có nguy cơ tác động đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học bất cứ lúc nào. Vì vậy, đòi hỏi lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thực sự yêu nghề, yêu rừng thì mới bám trụ được.
Anh Nguyễn Đức Quang, nhân viên Tổ cơ động Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Tà Đùng cho biết, nhiệm vụ của lực lượng quản lý bảo vệ rừng là tuần tra, kiểm soát, chốt chặn không để các đối tượng xâm nhập trái phép, tác động xấu đến bảo tồn đa dạng sinh học vườn quốc gia nên thời gian chủ yếu phải bám trụ trong rừng, phải công tác trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm, nhất là đêm tối và khi mùa mưa đến. Cũng theo anh Quang, ở trong rừng dù ngày hay đêm, mưa hay nắng đều gặp phải khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thiếu cả về cơ sở vật chất và tinh thần, nhất là đặc thù của Tây Nguyên mùa mưa thường kéo dài đến khoảng 6 tháng liên tục nên lực lượng bảo vệ rừng còn phải đối mặt với mưa lũ, nước suối dâng cao, nhiều đêm tuần tra phải ở lại giữa đại ngàn, đối diện đêm tối và bao nhiêu hiểm nguy luôn rình rập. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm bủa vây nhưng những người giữ rừng Vườn quốc gia Tà Đùng luôn chủ động khắc phục khó khăn, động viên và giúp đỡ lẫn nhau để bám trụ địa bàn, giữ rừng với quyết tâm bảo vệ cho Tà Đùng mãi thêm xanh.
Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách, chế độ tiền lương được nâng cao, điều kiện làm việc được cải thiện nên cuộc sống của những người làm công tác bảo vệ rừng đã bớt khó khăn hơn. Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giảm bớt áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, đơn vị đã đầu tư, xin hỗ trợ nhiều trang thiết bị như Flycam, bẫy ảnh, GPS,…phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tập huấn, triển khai sử dụng các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng như bộ công cụ SMART, MAPINFO,…với mục đích chính là tăng cường công tác bảo vệ rừng và giảm áp lực, khó khăn cho lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng.
Cũng theo ông Long, tuy điều kiện công tác, mức thu nhập được cải thiện hơn trước, nhưng so với mặt bằng chung thì những người giữ rừng vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không có nhiệt huyết, yêu rừng, yêu nghề thì họ sẵn sàng bỏ rừng để tìm đến công việc khác thuận lợi hơn. Hơn ai hết, tập thể lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã thấu hiểu, đồng hành, chia sẽ và luôn động viên cùng lực lượng bảo vệ rừng trong mọi hoàn cảnh, từ đó họ yên tâm gắn bó với rừng, với đơn vị.