Nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS) chỉ ra việc mở rộng canh tác đậu nành (kèm với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) có mối liên hệ với tình trạng gia tăng số ca tử vong vì ung thư ở trẻ em tại Brazil.
Không chỉ là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt có dầu lớn nhất thế giới, Brazil cũng thuộc nhóm các nước sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhất trên thế giới.
Nghiên cứu chỉ ra khi ngành trồng trọt đậu nành ở Brazil phát triển thì “việc tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có liên hệ tới tình trạng gia tăng số ca tử vong vì ung thư ở trẻ em khi xét trong nhóm dân số có tiếp xúc gián tiếp với các loại hóa chất này.”
Các nhà nghiên cứu Mỹ còn tìm ra mối liên hệ giữa sản xuất đậu nành và những tiếp xúc cộng đồng với hóa chất liên quan hoạt động canh tác này, trong đó có thuốc diệt cỏ glyphosate được sử dụng phổ biến với các loại hạt đậu biến đổi gene.
Dựa trên dữ liệu về tỷ lệ trẻ em mắc và tử vong vì ung thư trong vòng 15 năm ở Brazil, nghiên cứu phát hiện ra các trường hợp mắc bệnh bạch cầu đã gia tăng đáng kể sau khi hoạt động sản xuất đậu nành mở rộng ở nhiều địa phương.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn có thể gây ô nhiễm nguồn nước gần các trang trại đậu nành.
Đáng chú ý, nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan giữa trồng trọt đậu nành và các ca trẻ em mắc ung thư máu, đặc biệt là bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL), loại ung thư máu phổ biến nhất ở trẻ em.
Theo đó, nhóm nghiên cứu ghi nhận đã có thêm 123 trường hợp bệnh nhi dưới 10 tuổi tử vong do ALL từ năm 2008 đến 2019, sau giai đoạn mở rộng sản xuất đậu nành ở Brazil.
Nếu không có các trung tâm chăm sóc ung thư chất lượng cao thì con số này thậm chí còn cao hơn.
Theo dữ liệu của Chính phủ Brazil, việc mở rộng canh tác đậu biến đổi gene đã tăng gấp đôi sản lượng đậu nành ở quốc gia này trong vòng thập kỷ vừa qua, chạm mức kỷ lục 154,6 triệu tấn kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Brazil xuất khẩu phần lớn đậu nành sang Trung Quốc và đang cạnh tranh với Mỹ trên thị trường đậu nành toàn cầu.