Hy vọng cho các bệnh nhi ung thư ở Sri Lanka

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều bệnh nhi ung thư tại Sri Lanka gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Chính phủ nước này đang thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đối tượng bệnh nhân nói trên tại các khu vực nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Một cuộc tuần hành ủng hộ bệnh nhi ung thư tại Sri Lanka. Ảnh: BRUNCH
Một cuộc tuần hành ủng hộ bệnh nhi ung thư tại Sri Lanka. Ảnh: BRUNCH

Khi mới hai tuổi, Lochana Lahiru Athauda đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Cậu bé là một trong 828 trẻ em Sri Lanka được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm. Trong sáu năm kể từ đó, cậu đã làm quen với hành trình dài 160km từ ngôi làng của mình ở Warakapola, thuộc thị trấn Kegalle, đến Bệnh viện Apeksha ở Thủ đô Colombo để chữa bệnh.

Mẹ của Lochana là Enoka Chandani Wijesinghe đã phải nghỉ việc sau khi con trai bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào lympho. Enoka cho biết: “Chi phí đi lại là quá đắt đỏ. Thật mệt mỏi và rất tốn kém đối với một gia đình có thu nhập thấp như gia đình chúng tôi. Trong ba năm sau khi Lochana được chẩn đoán, chúng tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm được và đôi khi vay mượn để bảo đảm việc điều trị của con không bị gián đoạn”.

Theo The Guardian, trẻ em bị ung thư thường có khả năng điều trị tích cực hơn so người lớn. Tuy nhiên, cơ hội sống sót phần lớn được quyết định bởi nơi đứa trẻ sống. Trong khi ở các quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ sống sót đối với bệnh ung thư ở trẻ em là 80%, thì ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ này giảm xuống mức thấp nhất là 20%. Tại Sri Lanka, tỷ lệ sống sót ở trẻ ung thư chỉ là 26%.

Sanjeeva Gunasekera, bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi khoa tại Bệnh viện Apeksha cho biết, không như một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ từ bỏ điều trị ở Sri Lanka là khá thấp. “Điều này là nhờ tỷ lệ người biết chữ cao, sự hỗ trợ của gia đình và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đáng tin cậy. “Mọi người hiểu rằng, phát hiện sớm có thể dẫn đến chữa khỏi hoàn toàn và trẻ em có cơ hội sống sót cao hơn nhiều”, bác sĩ trên nhấn mạnh.

Nhằm tăng hy vọng cho các bệnh nhi ung thư ở các khu vực xa thủ đô, cũng như hưởng ứng sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nâng cao chất lượng hệ thống y tế, Chính phủ Sri Lanka lên kế hoạch mở các trung tâm chăm sóc sức khỏe có tên gọi Suwa Arana (tạm dịch là “Nơi chữa bệnh”) cho các bệnh nhi ung thư ở vùng nông thôn. Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc cũng như nơi ở cho các gia đình phải di chuyển quãng đường dài đến khoa ung thư nhi duy nhất của đất nước ở Thủ đô Colombo.

Mỗi trung tâm Suwa Arana sẽ bao gồm 32 phòng bệnh có phòng tắm riêng, đủ chỗ cho một gia đình. Trung tâm dự kiến mở cửa vào tháng 6 tới nhằm tăng hơn gấp hai lần tỷ lệ sống sót của trẻ em mắc bệnh ung thư. Hệ thống Suwa Arana do Indira Cancer Trust tài trợ. Đây là tổ chức từ thiện đầu tiên của Sri Lanka, thành lập vào năm 2016 bởi cựu nghị sĩ Karu Jayasuriya. Hệ thống chăm sóc sức khỏe này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách không chỉ giữa trẻ em sống ở Colombo và trẻ em ở vùng nông thôn, mà còn giữa trẻ em Sri Lanka và bạn bè của chúng ở các nước phát triển.

Đánh giá về sáng kiến cho ra đời các trung tâm Suwa Arana, Thaksila Madhawi, mẹ của bé Raini (9 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận vào năm 2018 cho biết: “Khi Suwa Arana hoàn thành, chúng tôi sẽ được ở miễn phí và chuẩn bị bữa ăn cho các con theo hướng dẫn. Điều này sẽ giúp người nghèo chúng tôi bớt một gánh nặng lớn”.

Theo The Guardian, ngay cả khi Sri Lanka đang đối mặt khủng hoảng kinh tế, hệ thống trung tâm y tế nói trên vẫn nhận được sự chung tay từ các nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm Hiệp hội Y tế Sri Lanka ở Bắc Mỹ, Bệnh viện nhi St Jude của Tennessee (Mỹ) và hỗ trợ kỹ thuật từ WHO.