Đây được xem là thảm họa khí hậu lớn nhất từ trước đến nay trong khu vực, làm ít nhất 78 người thiệt mạng và 115.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày khiến nhiều thành phố thuộc bang Rio Grande do Sul chìm trong nước lũ. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã đến bang Rio Grande do Sul vào sáng 5/5 nhằm thảo luận với giới chức địa phương về các nỗ lực cứu hộ và tái thiết. Một chiến dịch giải cứu quy mô lớn đã được triển khai, với sự tham gia của hơn 3.000 binh sĩ, lính cứu hỏa và tình nguyện viên.
Tại thành phố Porto Alegre, thủ phủ bang Rio Grande do Sul, người dân phải leo lên các mái nhà để tránh lũ và chờ người giải cứu. Trong khi đó, những người khác di chuyển trên những con phố ngập nước bằng ca nô hoặc thuyền nhỏ. Nhiều gia đình vẫn đang bị mắc kẹt trong điều kiện không có các nguồn cung thiết yếu như điện và nước.
Theo chính quyền địa phương, con số thương vong vẫn có thể tăng do hiện có ít nhất 105 người được báo cáo mất tích hôm 5/5, tăng so với khoảng 70 người được báo cáo một ngày trước đó.
Mưa lớn kèm lũ lụt cũng đã phá hủy nhiều công trình hạ tầng giao thông, gây ra lở đất và làm sập một phần đập tại một nhà máy thủy điện nhỏ. Sân bay quốc tế Porto Alegre cũng đã đình chỉ tất cả các chuyến bay kể từ hôm 3/5. Ngoài ra, khoảng 340 thị trấn và làng mạc khác trên toàn bang Rio Grande do Sul cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khắc nghiệt.
Chuyên gia khí hậu Francisco Eliseu Aquino cho biết, mưa bão tàn khốc là hậu quả kết hợp của hiện tượng nóng lên toàn cầu và hiện tượng thời tiết El Nino. Theo ông Aquino, vị trí địa lý đặc biệt của khu vực này khiến nơi đây thường phải đối mặt với tác động của sự va chạm của các khối không khí nhiệt đới và vùng cực - nhưng những sự kiện này càng "gia tăng do biến đổi khí hậu".
Quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này gần đây đã trải qua một loạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong đó có trận lốc xoáy hồi tháng 9/2023 làm ít nhất 31 người thiệt mạng.