Khoảng 150 nhân viên từ các cơ quan ứng phó thiên tai địa phương được huy động tham gia tìm kiếm người mất tích. Các cơ quan chức năng nỗ lực cứu trợ người dân, giảm thiệt hại về tài sản.
Theo Cơ quan Ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), lũ lụt nghiêm trọng do mưa kéo dài, khiến mực nước tại các con sông lên cao, gây áp lực lớn cho hệ thống đê điều. Công tác cứu hộ gặp khó khăn do đường giao thông tắc nghẽn sau các vụ lở đất. BNPB cảnh báo mưa lớn tiếp diễn trong những ngày tới.
Tại Bolivia, mưa lớn kéo dài khiến chính quyền thủ đô La Paz phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 10/3. Mưa lớn khiến mực nước sông dâng cao, gây ra lũ lụt ở một số khu vực, khiến nhiều nơi bị cô lập, hệ thống điện, nước bị cắt. Có ít nhất một người thiệt mạng.
Tổng thống Bolivia Luis Arce cam kết điều động trang thiết bị tối tân và 3.000 binh sĩ tham gia ứng phó thiên tai. Tổng thống Arce bày tỏ quan ngại trước những khó khăn mà thành phố La Paz đang hứng chịu.
Trong khi đó, trong báo cáo công bố ngày 11/3, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo, các quốc gia trên khắp châu lục cần nhanh chóng xây dựng chiến lược để ứng phó nguy cơ thảm khốc do biến đổi khí hậu.
Khu vực Nam Âu có nguy cơ cao nhất, nhiều nơi thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các vùng trũng ven biển đối mặt nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. Theo EEA, các chính phủ và người dân châu Âu cần ưu tiên hành động nhanh và nhiều hơn.