Bốn trẻ nhỏ ngộ độc do ăn thịt cóc

NDO -

NDĐT- Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bốn bệnh nhân nghi bị ngộ độc do ăn thịt cóc, gồm: Bàn Đức Cường (SN 2014), Bàn Văn Hoàng (SN 2015), Nguyễn Văn Chiến (SN 2013) và Bàn Việt Quang (SN 2013), cùng trú tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Bệnh nhi Bàn Đức Cường được điều trị, theo dõi tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh nhi Bàn Đức Cường được điều trị, theo dõi tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Thông tin từ người nhà các cháu cho biết, trong khi chơi cùng nhau các cháu đã bắt cóc rồi nướng để ăn. Sau khi ăn khoảng một tiếng, các cháu bị nôn nhiều, gia đình phát hiện nên đã đưa đi cấp cứu.

Trong bốn bệnh nhi nhập viện, cháu Nguyễn Văn Chiến và Bàn Việt Quang sau quá trình điều trị, theo dõi đã được ra viện; cháu Bàn Đức Cường bị nôn nhiều ra dịch màu nâu đen, tim mạch ổn định nên có chỉ định truyền dịch và bơm rửa dạ dày; nặng nhất là cháu Bàn Văn Hoàng nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, lơ mơ, nhịp tim chậm, phổi thông khí kém… tiên lượng đây là ca rất nặng nên đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị và theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo: Thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin. Độc tố này có trong da, gan, trứng, mủ, mắt và hạch thần kinh của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng nề.

Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi gặp người bị ngộ độc cóc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.