Hội nghị cấp cao ECOWAS diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đối mặt nhiều thách thức. Xung đột sắc tộc gia tăng, mối đe dọa khủng bố rình rập khi nhiều tổ chức cực đoan đang trỗi dậy, biến khu vực này thành điểm nóng an ninh. Bất ổn chính trị càng làm tăng những nguy cơ, tác động mạnh tới tình hình an ninh và kinh tế ở nhiều nước.
Mali phải chứng kiến hai cuộc chính biến trong vòng chín tháng. Niger cũng thông báo về một âm mưu đảo chính. Các nền kinh tế Tây Phi vốn bị xung đột, nghèo đói bám đuổi dai dẳng, lại hứng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Liên tiếp những tháng qua, nhiều vụ tiến công đẫm máu, bắt cóc tống tiền đã xảy ra ở các nước Tây Phi. Số liệu được đưa ra tại Hội nghị cho thấy, kể từ năm 2020 đến nay, khu vực này hứng chịu tổng cộng 700 vụ tiến công khủng bố, khiến 2.000 người chết.
Theo Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Kassi Brou, an ninh vẫn là mối quan ngại chủ yếu đối với các nước Tây Phi. Bất chấp những nỗ lực đáng kể của các nước trong khu vực, nhất là những quốc gia ở tuyến đầu chống khủng bố, số vụ tiến công xảy ra ở Tây Phi vẫn tăng gấp đôi từ năm 2020 đến 2021.
Bạo lực chủ yếu xảy ra tại Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và lan sang các nước ven biển, khiến ngày càng nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy khu vực Tây Phi lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Mặc dù quân đội Pháp và các đồng minh phương Tây đã triển khai hàng nghìn binh sĩ ở Tây Phi nhằm chống các lực lượng Hồi giáo thánh chiến, song tình hình an ninh khu vực vẫn chưa ổn định. Mới đây nhất, khoảng 100 dân thường Burkina Faso bị sát hại trong một cuộc tiến công gây nhiều thương vong nhất kể từ khi bạo lực thánh chiến bùng phát tại nước này năm 2015.
Trong sáu năm qua, hơn 1.300 người đã chết, khoảng một triệu người phải đi lánh nạn do các cuộc tiến công thánh chiến tại Burkina Faso. Đây cũng là nơi tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn từ nước láng giềng Mali bị tàn phá do bạo lực thánh chiến và phiến quân. Nhiều nước Tây Phi phải đối mặt cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng nghiêm trọng khi các nhóm có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành hàng loạt vụ tiến công nhằm vào quân đội và dân thường. Hội nghị của ECOWAS đã kêu gọi các nước khu vực sớm huy động ngân sách để đẩy nhanh thực thi Kế hoạch hành động khu vực về chống khủng bố, được thông qua hồi năm 2019.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế suy thoái nghiêm trọng, đảo ngược các thành quả về giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Tây Phi. Để thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, tại Hội nghị, ECOWAS đã thông qua lộ trình phát hành đồng tiền chung vào năm 2027, với hy vọng thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế nội khối.
Được thành lập vào năm 1975, ECOWAS gồm 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 300 triệu người, hiện đang sử dụng các loại tiền tệ khác nhau, trong đó tám nước với khoảng 155 triệu người đang dùng chung đồng franc CFA cùng với đồng euro, gồm các nước trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (WAEMU). Các quốc gia còn lại sử dụng đồng tiền riêng, không thể chuyển đổi với nhau, do vậy không thuận lợi cho việc giao dịch.
Một trong những vấn đề khác được các nước thành viên ECOWAS quan tâm thúc đẩy là kêu gọi các nước Tây Phi tiếp tục nỗ lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu. Các nước Ghana, Nigeria và Senegal đang nỗ lực sản xuất vaccine trong nước với mong muốn góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine giữa các nước trong khu vực với các nơi khác trên thế giới.
Trước bộn bề thách thức mà các nước Tây Phi phải đối mặt hiện nay, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo ECOWAS là phải đưa ra phương thuốc để “giải cứu” khối kinh tế này khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với nguồn lực eo hẹp, các nước Tây Phi cần khai thác hết những tiềm năng nội khối, đồng thời thúc đẩy đoàn kết và phối hợp chặt chẽ hơn nữa mới có thể vượt qua những khó khăn trên chặng đường tìm kiếm sự ổn định và phát triển.