Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, cho đến nay An Giang chưa có ca bệnh xảy ra trong cộng đồng, chỉ có ba ca bệnh gồm BN 2746, 2747, BN2828 đều nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam vào huyện biên giới An Phú, An Giang và hiện nay sức khỏe cả ba bệnh nhân này ổn định. Hiện, An Giang đã bố trí gần 200 chốt với khoảng gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ để tuần tra chốt chặn 24/24 giờ tại vùng biên giới.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, UBND tỉnh cho biết, do tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia diễn biến rất phức tạp, số lượng mắc mới không ngừng tăng cao, nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia quay trở về Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh kể cả nhập cảnh trái phép, trong đó có thể có những người đã mắc bệnh. Do vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là khu vực biên giới, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn quy định về điều kiện để tỉnh ban bố lệnh khẩn cấp. Vì khi có lệnh khẩn cấp thì sẽ triển khai theo quy trình công trình khẩn cấp đối với xây dựng Bệnh viện dã chiến nhằm chủ động trong tiếp nhận điều trị khi số ca bệnh tăng cao; chỉ đạo các tỉnh nội địa chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ cho An Giang nói riêng và các tỉnh giáp biên Campuchia nói chung khi lượng người Việt Nam từ Campuchia về tỉnh lớn, vượt khả năng đáp ứng của tỉnh; tạm ngưng phân bổ số lượng người nhập cảnh theo các chuyến bay cho An Giang, để tỉnh tập trung bảo đảm công tác phòng chống dịch tuyến biên giới...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các sở ban ngành và cộng đồng tỉnh An Giang, đặc biệt là năm huyện, thị, thành vùng biên giới trong công tác phòng, chống nhập cảnh trái phép.
Theo thứ trưởng, An Giang sắp bước vào kỷ niệm 30-4, lễ hội du lịch vía Bà Chúa xứ Núi Sam, bầu cử HĐND các cấp vì thế An Giang cần hoàn thiện xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch chủ động; đối với các lễ hội lớn nhưng tập trung đông người không đeo khẩu trang phải xử phạt. Đối với quản lý xuất nhập cảnh trái phép thì phải xây dựng thế trận lòng dân “mỗi nhà là một pháo đài” tại năm huyện thị thành biên giới để khi có người lạ khả nghi người dân sẽ báo ngành chức năng; có chế độ chính sách khen thưởng kịp thời đối với người dân tự giác cung cấp thông tin các trường hợp người lạ, người nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra, đối với các địa điểm công cộng như các bến xe, xe khách, nhà hàng, khách sạn, địa phương nên cho ký cam kết với các chủ xe, nhà hàng để khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ giúp dễ quản lý, rà soát khoanh vùng. Khi phát các tờ rơi, tờ bướm phòng, chống Covid-19 in bằng tiếng Việt còn nên có ngôn ngữ tiếng Khmer, tiếng Chăm để công tác phòng, chống dịch lan rộng nhanh hơn trong cộng đồng đồng bào dân tộc. Tất cả địa phương chuẩn bị sẵn sàng để đối phó ngay từ đầu, nguyên tắc “5K” cần được tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, trên hết là thực hiện khẩu trang, khử khuẩn ở các vị trí công cộng...