Sáng 26/2, nhân Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), Trường đại học Y Hà Nội long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú (1974 - 2024), đánh dấu một mốc lịch sử rất đáng tự hào kể từ khi Trường đại học Y Hà Nội nhận nhiệm vụ Bộ Y tế giao phó và tuyển sinh Khoá I vào tháng 2 năm 1974.
Dự sự kiện có đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế; nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các ban/ngành, đại diện lãnh đạo các cơ quan trong và ngoài ngành y tế, các tổ chức quốc tế; cựu và đương kim học viên bác sĩ nội trú...
50 năm đào tạo bác sĩ nội trú
50 năm qua, Trường đại học Y Hà Nội đã và đang đào tạo 5.159 bác sĩ nội trú, và đặc biệt là từ năm 2015 đến nay đã nỗ lực nâng tỷ lệ sinh viên y khoa tốt nghiệp nhà trường tham gia chương trình đào tạo bác sĩ nội trú từ 10% trong giai đoạn 1974-2014 đến hơn 65% trong giai đoạn 2015-2023.
Đào tạo bác sĩ nội trú trên thế giới xuất hiện đầu tiên tại Cộng hòa Pháp vào năm 1802. Người Việt Nam đầu tiên thi đỗ và học nội trú các bệnh viện tại Cộng hòa Pháp là Giáo sư Hồ Đắc Di năm 1930, Hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử 122 năm của Trường đại học Y Hà nội.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người đầu tiên thi đỗ bác sĩ nội trú các bệnh viện chuyên ngành ngoại khoa trong kỳ thi tổ chức lần đầu ở Việt Nam vào năm 1938, sau quá trình đấu tranh cho bác sĩ người Việt được thi tuyển bác sĩ nội trú các bệnh viện ngay tại đất nước mình.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. |
Ngày 22/11/1973, Giáo sư Hồ Đắc Di và Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, lãnh đạo Trường đại học Y Hà Nội lúc bấy giờ, cùng với Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn được giao nhiệm vụ thi tuyển Nội trú bệnh viện Khóa I cho Trường đại học Y Hà Nội. Đây là sự khởi đầu và chính thức để Trường Đại học Y Hà Nội triển khai đào tạo bác sĩ nội trú khối ngành sức khỏe đầu tiên trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, giảng viên, viên chức và đóng góp của các cựu bác sĩ nội trú qua nhiều thế hệ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, đào tạo bác sĩ nội trú là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng.
Hiện nay, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú, số bác sĩ nội trú tốt nghiệp trung bình 1 năm khoảng 900, trong đó số bác sĩ nội trú tốt nghiệp tại Trường đại học Y Hà Nội 1 năm khoảng 400 (chiếm 45%).
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 106 cựu bác sĩ nội trú tốt nghiệp từ Trường đại học Y Hà Nội giữ các vị trí trọng trách của Bộ Y tế, bao gồm cả Bộ trưởng và Thứ trưởng, lãnh đạo của các Trường đại học khối ngành sức khỏe, của các bệnh viện, viện nghiên cứu ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh/thành phố.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội phát biểu. |
Nhiều cựu bác sĩ nội trú của Trường đại học Y Hà Nội là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực y học lâm sàng và y học cơ sở, cùng với các học trò của mình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều cựu bác sĩ nội trú đã được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân…
Cần mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú có lộ trình
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cũng đã nghe những định hướng và đề xuất của lãnh đạo nhà trường đối với các cấp lãnh đạo để mở rộng cơ hội cho ngày càng nhiều bác sĩ y khoa tốt nghiệp được học chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo mô hình đào tạo bác sĩ nội trú.
Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công nhận bằng bác sĩ nội trú trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo trình độ sau đại học, bậc đào tạo tiếp theo. Bộ Nội vụ sắp xếp vị trí việc làm của bác sĩ nội trú theo trình độ và bậc lương tương xứng. Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cần xem xét ngạch, bậc lương và phụ cấp nghề nghiệp của bác sĩ nội trú trong quá trình đào tạo, sau khi tốt nghiệp.
Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức báo cáo về công tác đào tạo bác sĩ nội trú. |
“Bộ Y tế cũng cần coi đào tạo bác sĩ nội trú là thiết yếu trong chuyên khoa sâu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ, có chính sách hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ hành nghề”, Giáo sư Đoàn Quốc Hưng chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội cho rằng, việc mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú là cần thiết để phù hợp với thế giới, cũng như phù hợp thực tiễn trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. "Tôi đề xuất mở rộng quy mô đào tạo bác sĩ nội trú và tiến tới đào tạo hệ nội trú bắt buộc với tất cả các bác sĩ sau này", Giáo sư Tạ Thành Văn nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế đề xuất, các bộ, ban ngành cần quan tâm giải quyết về tài chính để bác sĩ nội trú yên tâm học tập 3 năm tại các cơ sở thực hành. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng về bằng cấp, thi chứng chỉ hành nghề với đối tượng bác sĩ nội trú để chúng ta hội nhập quốc tế, phù hợp với thực tiễn.
Bà Tiến cũng cho rằng, ngành y tế cần nghiên cứu việc đào tạo bác sĩ nội trú mở rộng một cách phù hợp, song song với việc cần thiết đào tạo bác sĩ nội trú tinh hoa.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giao nhiệm vụ cho nhà trường tiếp tục tổng kết và đưa ra những khuyến nghị, đề xuất các phương thức đào tạo bác sĩ nội trú trong thời gian tới vừa theo hướng hội nhập với các nước trên thế giới nhưng vừa phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về nhân lực y tế của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng lãnh đạo Trường đại học Y Hà Nội. |
Trường cần tiếp tục nâng cao sự hợp tác của nhà trường và bệnh viện, các cơ sở thực hành để liên tục nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo mô hình đào tạo bác sĩ nội trú.
Về đề xuất cần có chính sách đặc thù cho bác sĩ nội trú, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, nếu mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú thì chính sách đặc thù không còn nữa. Do đó, nhà trường cần rà soát, đánh giá, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để triển khai nội dung này, bảo đảm thực hiện chế độ chính sách, quyền lợi, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của đội ngũ bác sĩ, nhưng phải phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Cũng trong buổi lễ, Trường đại học Y Hà Nội chính thức công bố thành lập và kêu gọi đóng góp vào Quỹ hỗ trợ đào tạo bác sĩ nội trú của Nhà trường. Mục đích của quỹ là giúp các sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn được học tập liên tục, yên tâm học tập và cống hiến để trở thành các bác sĩ giỏi, đem kiến thức, kỹ năng và thái độ xuất sắc về mọi miền của Tổ quốc phục vụ nhân dân.