Bộ trưởng Giao thông vận tải: Sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bất cập

NDO -

NDĐT - Đúng 9 giờ, sáng 5-6, sau khi tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, các đại biểu Quốc hội chuyển sang nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành và Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể bắt đầu trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể bắt đầu trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải gồm: Xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên quốc lộ, đường bộ cao tốc; Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Giao thông vận tải còn có các Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Có 66 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Các đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận); Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu); Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình)... chất vấn Bộ trưởng các nội dung: Mở rộng quốc lộ 1, làm tuyến tránh qua các đô thị; Giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn (Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long); xử lý 69 dự án giao thông lớn, chậm tiến độ...

Bộ trưởng Giao thông vận tải: Sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bất cập ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình).

Phát biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, nhu cầu của xã hội lớn, việc phát triển giao thông vận tải phải có ngân sách. Mặc dù nỗ lực nhiều nhưng hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam hiện nay vẫn bất cập, đầu tư không bảo đảm ở một số vùng miền. Tuy nhiên với nguồn vốn được giao, đã cố gắng làm những dự án trọng điểm

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông có cải thiện, nhưng số vụ số người chết vẫn nhiều.

Bộ trưởng cũng cho biết nhiều đại biểu quan tâm vấn đề xe hợp đồng công nghệ đang thí điểm ở Việt Nam trong thời gian qua, liên quan trực tiếp cuộc sống của người dân, được xã hội quan tâm và còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết.

Xe quá khổ quá tải do cơi nới sau đăng kiểm

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn, hiện nay, nhiều đường mới đầu tư xuống cấp nhanh, trách nhiệm của Bộ và giải pháp nào giảm xe quá khổ quá tải.

Trả lời về vấn đề xe quá khổ quá tải làm hư đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc quản lý xe quá khổ quá tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ở Bộ Giao thông vận tải có Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm, và khi đăng kiểm thì tất cả các xe đều phải bảo đảm đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện dùng các hộp thùng cơi nới dẫn đến xe quá khổ, quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký, đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.

“Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm các xe quá khổ quá tải. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ phương tiện và chúng tôi thực hiện cũng rất nghiêm”, Bộ trưởng nói.

Nhưng ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận, hiện nay, tình trạng xe quá khổ quá tải vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn, tuyến đường tỉnh, đường huyện. Các xe này không dám lưu thông trên các tuyến quốc lộ bởi vì có nhiều lực lượng thanh tra, kiểm tra hơn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải hứa sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp tăng cường kiểm tra giám sát, các thông tin có được để xử lý nghiêm các hành vi này. Đây là hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước, bởi vì xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kết cấu mặt đường.

Tiêu cực trong sát hạch lái xe là nguyên nhân gây tai nạn

Một câu hỏi khác của đại biểu Ma Thị Thúy là: Vì sao có tình trạng tiêu cực trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe và khắc phục thế nào.

Bộ trưởng Giao thông vận tải: Sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bất cập ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận thấy, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông phức tạp. Do đó, Bộ Giao thông vận tải rất tập trung cho công tác đào tạo và sát hạch lái xe.

“Chúng tôi chỉ đạo Cục đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra kiểm tra các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe”, Bộ trưởng nói.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của nhân dân, Bộ đã điều chỉnh và tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 vào cuối năm 2018 về các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe. Hiện nay, Bộ đang dự thảo, điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải,

Về sát hạch lái xe cũng đã lồng ghép các nội dung như: tăng cường giám sát giờ học của các học viên, thời gian học trên đường, tăng độ khó của các đề thi .

"Chúng tôi đưa ra một số tình huống thi để học viên không làm đúng có thể rớt ngay, ví dụ như xe vượt đèn đỏ có ký hiệu đường sắt, học viên mắc lỗi trong tình huống này thì cho rớt ngay vì trong thực tế nếu mắc lỗi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ cũng cố gắng cải tiến công tác đào tạo, sát hạch để lái xe sau khi nhận bằng sẽ tham gia giao thông tốt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về vấn đề sát hạch lái xe, đại biểu Vũ Thị Thủy (Thanh Hóa) chất vấn: Có ý kiến cử tri phản ánh trường abc học dễ, được bao đỗ lý thuyết. Vì thế, nhiều người di chuyển vài trăm cây số để thi lái xe cho dễ. Bộ trưởng cho biết có hiện tượng này hay không và giải pháp hạn chế?

Bộ trưởng Giao thông vận tải thừa nhận có hiện tượng trường A, ttrường B thi sát hạch lái xe dễ đỗ hơn. “Chúng tôi đã vào cuộc và phát hiện một trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Phòng. Cơ quan công an đã vào cuộc xử lý nghiêm”.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ kiểm tra bất cứ thông tin nào báo chí đăng về hoạt động tiêu cực của các trung tâm sát hạch để các trung tâm hoạt động đúng pháp luật.

Cuối năm 2019, hoàn toàn thu phí tự động để kiểm soát doanh thu

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: “Về thu phí không dừng, vì sao tới giờ vẫn khó thực hiện, mới triển khai đạt 30% trên toàn quốc?".

Bộ trưởng Giao thông vận tải: Sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bất cập ảnh 3

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31-12 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ Giao thông vận tải chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai.

Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12-2019.

Về vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Nguyện (Hưng Yên) tiếp tục chất vấn: "Việc triển khai thu phí tự động không dừng, hiện nay số chủ xe ô-tô đồng ý mở tài khoản và dán thẻ thu phí vẫn còn ở mức khiêm tốn, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của chủ trương này. Xin hỏi Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để xử lý những vấn đề trên?"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án thu phí tự động không dừng có một bất cập là việc dán thẻ và nộp tiền vào thẻ để sử dụng thì còn đang hạn chế. Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu tự động nên các trạm thu phí.

“Mặc dù có làn thu phí không dừng, chúng ta vẫn thu phí thủ công. Hiện nay có tâm lý là thu phí tự động cũng được mà thu phí thủ công cũng được. Lái xe mặc dù là gắn thẻ vẫn có thể là không nộp tiền, đi theo phương thức thủ công”, Bộ trưởng đánh giá.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, dán thẻ chúng ta chưa gắn chip toàn bộ các trạm trên toàn quốc nên số lượng doanh thu từ các làn thu phí không dừng không cao.

“Để giải quyết việc này, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị lắp đặt thiết bị đúng theo tiến độ, sắp tới chúng tôi tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả các phương tiện mà không được gắn thẻ hoặc chưa nộp tiền thì phải đi vào làn thủ công. Chúng tôi đã bố trí tất cả các trạm, mỗi trạm chỉ khoảng 1-2 làn thủ công, phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng. Lúc đó kéo dài 5-10km thì cũng phải xếp hang, không được quyền đi vào làn thu phí tự động”, Bộ trưởng nêu giải pháp.

Bộ trưởng Giao thông vận tải: Sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bất cập ảnh 4

Đồng thời, để tạo điều kiện cho lái xe gắn thẻ cũng như nộp tiền thuận lợi, ông Nguyễn Văn Thể cho biết đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để liên thông thẻ thu phí với tài khoản của thẻ các ngân hàng để người sử dụng thẻ thuận lợi hơn. “Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gắn thẻ”, Bộ trưởng hứa.

Về vấn đề thu phí các trạm BOT, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố cách tính định mức của các trạm thu phí, công khai số liệu để tránh các trạm tự ý thu phí, đã hoàn vốn mà vẫn tiếp tục thu phí, gây thiệt thòi cho người dân”.

Bộ trưởng cho biết, việc thu phí tự đông hoàn thành triển khai vào cuối năm nay. Theo đó, cuối năm nay tất cả các trạm thu phí sẽ có camera kiểm soát lưu lượng hàng ngày.Từ đó, sẽ kiểm đếm từng loại xe để đối chiếu doanh thu và việc kiểm tra doanh thu sẽ tốt hơn hiện nay nhiều.