Bộ trưởng Công thương đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án của Vĩnh Phúc

NDO - Sáng 10/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết quý I/2023, GRDP của tỉnh giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong quý I đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% so với kế hoạch vốn đã giao. Tính đến ngày 15/4, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.4 tỷ USD, tăng 8,88% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 4 tỷ USD, giảm 2,73% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất ô-tô, xe máy, sản xuất linh kiện điện tử giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Công thương đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án của Vĩnh Phúc ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Duy Thành phát biểu ý kiến.

Điểm tích cực là có 641 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường, cao hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường là 505 doanh nghiệp. Sức mua thị trường nội địa tăng 30,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đầu tư FDI tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước…

Bộ trưởng Công thương đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn, bảo đảm sản xuất kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc. Với độ mở của nền kinh tế cao gấp 2 lần cả nước, Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng mạnh khi nhu cầu thị trường thế giới bị suy giảm.

Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tỉnh cần chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án, sớm đưa các dự án lớn vào hoạt động.

Cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, Vĩnh Phúc cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương.

Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tham mưu chính sách, xử lý công việc; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan; ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, logistics; hạ tầng thương mại, dịch vụ, gắn với đô thị hóa và hoạt động du lịch.