Vì vậy, để bảo đảm sản xuất vụ hè thu, mùa 2022 đạt thắng lợi, các địa phương cần chủ động trong sản xuất, tránh những ảnh hưởng bất thường do thời tiết gây ra.
Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, vụ đông xuân 2021-2022, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gieo cấy khoảng 327 nghìn ha, tăng 4,65 nghìn ha. Nhằm bảo đảm vụ đông xuân đạt kết quả tốt, Cục phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sắp xếp mùa vụ kịp thời, hợp lý theo từng tiểu vùng; điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong tỉnh; theo dõi tình hình sinh vật gây hại cây trồng, diễn biến chất lượng nước phục vụ tưới tiêu.
Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được nâng lên. Hơn nữa, hầu hết các địa phương và bà con nông dân có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất như: giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng… Công tác dự tính dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục nên giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Tuy nhiên, năng suất vụ này ước đạt 63,19 tạ/ha, giảm 4,44 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2.066 nghìn tấn, giảm 144 nghìn tấn so vụ đông xuân trước. Nguyên nhân là do, ảnh hưởng của rãnh áp thấp nhiệt đới, kết hợp không khí lạnh cuối tháng 3 và đầu tháng 4, mưa to liên tục và gió mạnh trên diện rộng gây ngập lụt và đổ ngã một số diện tích cây trồng, đặc biệt là cây lúa đang giai đoạn trổ, chín làm bị ngập úng, đổ ngã và ảnh hưởng lớn đến giảm năng suất, sản lượng.
Trong đó, tỉnh Phú Yên năng suất ước giảm 22,84 tạ/ha, sản lượng giảm 60 nghìn tấn, TP Đà Nẵng năng suất ước giảm 13,04 tạ/ha, sản lượng giảm 3 nghìn tấn, tỉnh Quảng Nam năng suất ước giảm 9,73 tạ/ha, sản lượng giảm 40 nghìn tấn, tỉnh Quảng Ngãi năng suất ước giảm 2,88 tạ/ha, sản lượng giảm 9 nghìn tấn, tỉnh Bình Định năng suất ước giảm 1,50 tạ/ha, sản lượng giảm 8 nghìn tấn, tỉnh Đắk Lắk năng suất ước giảm 1,44 tạ/ha, sản lượng giảm 5 nghìn tấn...
Theo kế hoạch, vụ hè thu, mùa 2022 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dự kiến gieo cấy gần 450ha. Trong đó, vụ hè thu phấn đấu năng suất bình quân 61,82/ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn; vụ mùa, năng suất bình quân 53 tạ/ha, sản lượng 1,4 hơn triệu tấn.
Nhằm chủ động ứng phó mưa lũ, hạn hán cục bộ có thể xảy ra, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa phù hợp. Trong đó, mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên được dự báo bắt đầu sớm hơn mọi năm nên tùy từng khu vực tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để né tránh khô hạn có thể xảy ra vào cuối mùa vụ.
Bên cạnh đó, các địa phương khác cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.
Cùng với đó, cần tập trung sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, có năng suất, chất lượng khá, cứng cây chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc ngập úng vào cuối vụ nên bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn từ 90 ngày trở lại; những vùng chủ động đủ nước tưới nên bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 95 ngày, giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh; khuyến cáo nông dân sử dụng cấp giống xác nhận và nằm trong cơ cấu khuyến cáo của tỉnh.
Mặt khác nên gieo sạ thưa hợp lý, trong đó đối với lúa thuần gieo 80kg/ha, lúa lai gieo 40kg/ha. Đồng thời các địa phương khuyến cáo bà con nông dân quản lý tốt nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, gia cố các bờ đập, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ các công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp yêu cầu cây trồng.
Bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước; xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án phòng, chống hạn, phòng, chống lũ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí và dự phòng, giống cho sản xuất khi có thiên tai; thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp thoát nước cho phù hợp sản xuất. Những vùng khả năng bị hạn, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như: vừng, sắn... Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ.