Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, các quy định tại Luật Đất đai cũng bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Đó là hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Chưa có cơ chế hữu hiệu xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất…
Kiểm toán Nhà nước luôn xác định kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai và các vấn đề liên quan là nội dung trọng tâm quan trọng hàng đầu trong các cuộc kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các cuộc kiểm toán chuyên đề.
Từ năm 2013 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật và 7 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 34 văn bản quy phạm pháp luật và 18 văn bản khác do các địa phương ban hành.
Một trong những nội dung có vai trò quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai là các điều khoản liên quan đến tài chính về đất, giá đất. Đây là các điều khoản gắn trực tiếp tới quyền lợi nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với đất và là nguyên nhân chủ yếu gây ra những hạn chế trong chính sách về phát triển đất đai và khai thác nguồn lực từ đất đai trong giai đoạn vừa qua.
Góp ý cho nội dung này, ông Nguyễn Xuân Khải, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II cho rằng, việc xác định khung giá đất và phương pháp định giá đất hiện nay chưa bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường.
Khung giá đất, bảng giá đất tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay có sự chênh lệch lớn và thường không theo kịp được diễn biến giá đất thực tế. Từ khi ban hành đến nay, khung giá đất chưa thay đổi lần nào dù giá nhà, đất liên tục biến động. Để khắc phục, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra phương pháp xác định giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường, bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường.
“Quy định này đã chi tiết hơn so với Luật Đất đai năm 2013 hiện hành. Tuy nhiên cũng còn hạn chế khi mức giá giao dịch thực tế của các loại đất thường rất khó nắm bắt, trong khi dữ liệu giá cả khi đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước thường thấp hơn đáng kể so với giá giao dịch thực tế”, ông Nguyễn Xuân Khải nói.
Liên quan đến bảng giá đất, dự thảo đã bỏ quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất. Điều này góp phần bảo đảm tính linh hoạt trong việc xác định giá đất tại các địa phương, góp phần đảm bảo nguyên tắc xác định giá phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phương pháp định giá đất qua thực tiễn kiểm toán, ông Nguyễn Đức Sỹ, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực I cho rằng trong dự thảo Luật Đất đai mới, các quy định liên quan đến phương pháp định giá đất cơ bản không có sự thay đổi so với Luật Đất đai năm 2013. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách để vận hành, sử dụng các phương pháp định giá một cách hiệu quả, phù hợp.
Theo đó, cần bổ sung các quy định về phạm vi sử dụng các phương pháp định giá đất. Quan trọng là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về giá thị trường, bảo đảm yêu cầu chính xác, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận để phục vụ công tác định giá đất. Ngược lại, cũng phải có cơ chế để có thể kiểm tra, đối chứng kết quả định giá đất với chứng cứ giá thị trường để tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong định giá đất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện quản lý chặt chẽ về mặt định tính và định lượng các yếu tố tác động đến giá đất trong các phương pháp định giá đất để có thể ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá, áp đặt ý chí chủ quan vào định giá.