Đời sống bà con vùng biên còn nhiều khó khăn, do đó các đồn Biên phòng thuộc Biên phòng Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình thiết thực giúp đỡ bà con. Cán bộ chiến sĩ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách thức nuôi trồng, huy động các nguồn lực hỗ trợ cung cấp cây, con giống, giúp liên hệ đầu ra bao tiêu sản phẩm. Nổi bật trong lĩnh vực kinh tế là mô hình “phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng Hữu cơ” trồng cà phê và mô hình “hỗ trợ giống lúa, ngô mới” tại đồn Biên phòng Hướng Phùng.
Mô hình “phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng Hữu cơ” được thực hiện từ vận động các nguồn vốn bên ngoài và kinh nghiệm, kiến thức của cán bộ biên phòng để triển khai thực hiện cho người dân, từ khi triển khai đến nay đã giúp nâng cao năng suất, thu hoạch được khoảng 8 tấn/1ha. Mô hình “hỗ trợ giống lúa, ngô mới” được thực hiện từ kêu gọi và phối hợp với tập đoàn Thaibinhseed hỗ trợ nguồn giống lúa, ngô và cán bộ biên phòng trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân dân. Ban đầu thí điểm từ 1 hộ gia đình, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra 65 hộ canh tác hơn 30ha lúa cho năng suất từ 300 đến 310kg/vụ/sào và 10 hộ canh tác hơn 3ha ngô mang lại hiệu quả cao.
Mô hình “Trồng chuối lùn” hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế hộ gia đình tại đồn Biên phòng A Vao do Chi đoàn Đồn phối hợp với xã đoàn A Vao triển khai thực hiện, với diện tích ban đầu 1,3ha được thí điểm tại thôn Pa Ling, hiện đã nhân rộng ra 4,3ha. Đây là mô hình nhằm phát triển kinh tế ở địa phương, giúp cho cán bộ, đoàn viên xã A Vao có công ăn việc làm, nâng cao đời sống, bảo đảm sinh kế lâu dài, đem lại hiệu quả, mỗi năm thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế hiệu quả giúp bà con. |
Tại đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay có 2 mô hình giúp dân hiệu quả. Cán bộ trong đơn vị đóng góp tiền để mua dê giống hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sau một thời gian chăm sóc, sinh sản và khi dê con phát triển tốt thì tiến hành luân chuyển dê mẹ cho các gia đình khác. Trong năm 2024, đồn đã hỗ trợ 3 cặp/18 triệu đồng cho 3 hộ dân.
Mô hình “Dê giống khởi nghiệp” bước đầu mang lại kết quả khả quan. Mô hình “Heo bản quay vòng” do Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Bung triển khai thực hiện, bước đầu cấp 3 cặp heo trị giá 9 triệu đồng cho 3 hộ gia đình trên địa bàn để nuôi sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, sinh sản và khi heo con phát triển tốt thì tiến hành luân chuyển heo mẹ cho các gia đình khác.
Bà con nhận thức còn hạn chế, quen nếp canh tác, nuôi trồng truyền thống, cán bộ chiến sĩ tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăn nuôi, phát triển hiệu quả nhiều mô hình kinh tế, giúp thu nhập được cải thiện, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống khấm khá hơn.
Đồn Biên phòng Thanh và đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, các nhà trường trên địa bàn mở các “Lớp xóa mù, tái mù chữ" dạy vào buổi tối các ngày trong tuần. Trong năm 2024, hai đồn mở 5 lớp/118 học viên, hiện tại đã bế mạc 2 lớp/48 học viên tại đồn Ba Tầng. Thông qua mô hình “Lớp xóa mù, tái mù chữ”, tỷ lệ biết đọc, biết viết bằng tiếng phổ thông đạt hiệu quả tốt; các học viên không còn ngại, rụt rè trong giao tiếp, biết tính toán con số để trao đổi, mua bán hàng hóa phục vụ cuộc sống cho bản thân và gia đình, nhận thức được nâng lên rõ rệt.
Một số học viên đã thoát ly gia đình đi làm công nhân ở các tỉnh miền nam, tăng thêm thu nhập, chất lượng văn hóa của bản thân và các thành viên trong gia đình được nâng lên, vận động con em không bỏ học, lạc quan, vươn lên trong cuộc sống, không vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng tặng quà các cháu thiếu nhi. |
Cũng với tinh thần chia sẻ khó khăn, Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với các nhà trường trên địa bàn triển khai thực hiện mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới”, trong năm 2024 đã hỗ trợ 28 đợt với 2.128 ổ mì và sữa. Món quà trị giá tuy không lớn nhưng giúp các em giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, động viên, khích lệ các em học sinh vươn lên trong học tập. Cùng với đó, Chi đoàn đồn La Lay cũng phối hợp với Công đoàn Trung tâm y tế huyện Đắkrông cơ sở 2 Tà Rụt triển khai mô hình “Nồi cháo nghĩa tình cho bệnh nhân nghèo nơi biên giới”. Thứ sáu hàng tuần, cán bộ chiến sĩ đồn nấu 1 nồi cháo, tổ chức phát cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế. Trong năm 2024, đã hỗ trợ 46 nồi cháo, giúp các bệnh nhân nghèo giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.
Chi đoàn đồn Biên phòng Thuận phối hợp với Trường tiểu học Thuận triển khai thực hiện từ năm học 2023-2024, nguồn kinh phí kêu gọi, vận động từ các nhà hảo tâm. Bốn buổi một tuần, mỗi ngày có hai phụ huynh đến cùng giáo viên và cán bộ chiến sĩ đồn tự nguyện nấu canh cho học sinh ăn, thầy cô tình nguyện ở lại buổi trưa chăm các em học sinh ngủ. Qua đó, giúp các em học sinh giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, nâng tỷ lệ học sinh không bỏ buổi học, tiết học và góp phần “giữ chân” các em ở lại tiếp tục giờ học buổi chiều, nâng cao chất lượng giáo dục nơi địa bàn biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình Biên cương - đêm hội trăng rằm Việt- Lào lần thứ 3. |
Trung tá Nguyễn Văn Nhân, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình “Tiết học biên giới” được Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Các đồn phối hợp với các nhà trường trên địa bản tổ chức các tiết học ngoại khóa do cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trực tiếp đứng lớp, trang bị cho học sinh khu vực biên giới những kiến thức cơ bản về các nghị định, quy chế, quy định của pháp luật về biên giới quốc gia. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, mỗi em học sinh sẽ là một “tuyên truyền viên” tích cực đến gia đình và người thân, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong năm 2024, đã tổ chức được 27 buổi/2.500 lượt học sinh, giáo viên tham gia.
Thực hiện chương trình: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tiền hàng tháng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, lực lượng Bộ đội Biên phòng toàn tỉnh nhận nuôi và đỡ đầu 153 cháu (trong đó có 07 cháu người Lào), trong năm 2024, hỗ trợ 76,5 triệu đồng.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đánh giá những mô hình thiết thực, những việc làm thiện nguyện giúp đỡ bà con góp phần lan tỏa hình đẹp về người lính mang quân hàm xanh, giúp tình quân dân càng thêm gắn bó. Bà con tin yêu, quý mến và nỗ lực chung tay cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.