Bình Thuận: Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp

Chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm 2024, tỉnh Bình Thuận tập trung kế hoạch, giải pháp để giải quyết các vướng mắc, nhất là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển khai các dự án, công trình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó, tỉnh Bình Thuận chú trọng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00

Ba trụ cột đều tăng trưởng

Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2023, có 9/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ. Trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, sản xuất nông nghiệp nỗ lực duy trì ổn định; sản lượng chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng so cùng kỳ năm 2023. Ngành du lịch tiếp tục phát triển, đón 7,33 triệu lượt khách, tăng 11,42% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 695 triệu USD, tăng 7,06% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.050 triệu USD tăng 18,72% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 81.180 tỷ đồng, đạt 75,98% kế hoạch, tăng 15,28% so cùng kỳ.

Bình Thuận: Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ảnh 1

Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Văn Thánh.

Từ đây đến cuối năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận Lê Ngọc Tiến cho hay, tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, lập các loại quy hoạch theo quy định; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đến ngày 12/9, giải ngân kế hoạch đầu tư công là 1.497.570 triệu đồng, đạt 29,46% so với vốn kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo, phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt thấp. Đồng thời, các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch vốn được giao, nhất là tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm.

Bình Thuận: Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ảnh 2

Thanh long là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Thuận trong xuất khẩu.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm đạt 33.080 tỷ đồng, đạt 67,18% kế hoạch năm, tăng 9,6% so cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh có 15 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3.520 tỷ đồng; tổng vốn đăng ký 35.349 tỷ đồng; 11 dự án đưa vào hoạt động kinh doanh; khởi công xây dựng 12 dự án; thu hồi 19 dự án. Có 513 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,65% so cùng kỳ; vốn đăng ký 5.047,8 tỷ đồng, giảm 15,6%; có 170 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 27,8%; số doanh nghiệp đã giải thể là 104 doanh nghiệp, tăng 9,47%.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhẹ, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so cùng kỳ. Việc xác định giá đất cụ thể còn chậm, ảnh hưởng đến nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh. Dự án chấp thuận chủ trương đầu tư giảm cả về số lượng và tổng vốn đăng ký so cùng kỳ. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Sớm hoàn thành công trình trọng điểm

Tập trung theo dõi, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Các đơn vị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp: Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức. Năm 2024, phấn đấu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Tân Đức. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII để thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Bình Thuận: Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ảnh 4

Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm du lịch mới, đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú.

Ngoài xúc tiến quảng bá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đề nghị, các sở, ngành triển khai ngay Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm du lịch mới, đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú. Thúc đẩy triển khai các dự án thương mại dịch vụ, du lịch, khu đô thị mới Hàm Tiến-Mũi Né thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, các dự án ở phía Bắc Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, không để xảy ra tình trạng tàu cá của tỉnh đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ. Quản lý chặt chẽ chất lượng, tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh tiêu thụ và giữ vững uy tín tôm giống Bình Thuận trên thị trường.

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm như: đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà-Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết-Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan-Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn hai), hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty, Khu công nghiệp phía Nam đường Lê Duẩn (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Văn Tần). Các đơn vị giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, mốc thời gian hoàn thành từng công việc, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư, đẩy nhanh triển khai thi công để đảm bảo tiến độ chung của từng công trình, dự án. Đồng thời, các đơn vị kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai để mời các nhà đầu tư khác có năng lực, tâm huyết vào đầu tư, không để lãng phí đất đai.