Bình Thuận huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển

NDO - Ngày 29/8, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết, năm 1992, tỉnh Bình Thuận được tái lập sau khi tách ra từ tỉnh Thuận Hải. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động nguồn lực, từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bình Thuận huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu đề dẫn hội thảo.

Tuy vậy, Bình Thuận vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, thách thức. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỉnh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” gây cản ngại trong quá trình thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhất là trên lĩnh vực đất đai..., làm mất thời cơ, cơ hội phát triển.

Với nhiều điều kiện, thời cơ mới, nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang chọn Bình Thuận để đầu tư. Do vậy, tỉnh sẽ tập trung xác định các giải pháp khả thi, mang tính đột phá để phát huy các lợi thế, tận dụng tốt thời cơ, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Bình Thuận huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển ảnh 2

Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh báo cáo tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, Bình Thuận cần huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị.

Bình Thuận huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển ảnh 3
Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân trình bày tham luận tại hội thảo.

Trình bày tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết, để thành phố Phan Thiết xứng đáng là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận”, Đảng bộ thành phố Phan Thiết xác định xây dựng Phan Thiết hướng đến các tiêu chí đô thị loại I đến năm 2025; xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị du lịch. Để nâng cao chất lượng đô thị, Phan Thiết quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, lấy người dân là trung tâm phục vụ, đồng thời người dân sẽ cùng tham gia giám sát, quản lý đô thị. Trong năm 2022 sẽ đưa vào khai thác thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC). Đến năm 2025 hoàn thiện Trung tâm IOC thành phố đầy đủ các phân hệ bao gồm phần mềm, phần cứng, bảo đảm an toàn thông tin…

Tham luận của nhiều đại biểu tại hội thảo cũng đã tiếp cận về vấn đề kinh tế-xã hội của tỉnh, phân tích, làm rõ tiềm năng, lợi thế, triển vọng phát triển ở những góc độ khác nhau; đồng thời đề xuất Bình Thuận cần huy động các nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế, có giải pháp phù hợp, đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực…

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của Bình Thuận bình quân hằng năm tăng 9,07%; giá trị GRDP dự ước năm 2022 là 94,858 tỷ đồng, gấp 24,24 lần so với năm 1992. Huy động GRDP vào ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm đạt từ 9-10%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 13.215 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 9.439 nghìn tỷ đồng, gấp 122,5 lần so với năm 1992, tăng bình quân 19,49%/năm…