Bình Phước phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Bình Phước là một trong những nguồn tín dụng quan trọng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập. Nhờ được vay vốn từ Quỹ HTND, nhiều gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao.

Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Đòn bẩy phát triển kinh tế

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 68 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND, với tổng số tiền giải ngân hơn 31 tỷ đồng, cho gần 700 hộ hội viên vay phát triển kinh tế, trong đó có 17 tỷ đồng là nguồn vốn của T.Ư Hội ủy thác. Bên cạnh đó, còn có hơn 26 tỷ đồng đang được 11 đơn vị hội cấp huyện quản lý và cho vay. Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Có nguồn vốn, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này nhiều hộ dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm.

Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Quỹ HTND với ưu điểm là tiến độ giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, đã hỗ trợ kịp thời hàng trăm hộ nông dân phát triển kinh tế. Để nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng, hội nông dân cấp huyện và cấp cơ sở lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả khi, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của vùng. Định kỳ hằng tháng, tổ vay vốn các cấp duy trì sinh hoạt, với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi, học tập, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Coi trọng phương châm "Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân", nhờ vậy, Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay. Đến nay, Quỹ HTND vay vốn phát triển sản xuất ở các lĩnh vực, gồm: chăn nuôi heo, dê, bò, trồng tiêu và cây ăn quả Từ Quỹ HTND, nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập. Điển hình như: Hội Nông dân huyện Bù Đốp, từ dự án "Trồng tiêu theo hướng bền vững" tại hai xã Thiện Hưng và Thanh Hòa, toàn bộ số hộ trồng tiêu đã tham gia câu lạc bộ tiêu sạch và thực hiện đúng quy trình sản xuất của chuỗi cung ứng tiêu sạch. Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đang thực hiện ba dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND như: chăn nuôi bò sinh sản với kinh phí 300 triệu đồng/10 hộ tại xã Lộc Thái; nuôi dê với tổng vốn 540 triệu đồng/18 hộ tại xã Lộc Thiện; chăm sóc tiêu trị giá 450 triệu đồng ở xã Lộc Tấn. Hội còn phối hợp Hội điều Bình Phước xây dựng 30 mô hình cải tạo vườn điều năng suất thấp, với kinh phí 298 triệu đồng.

Nguồn vốn thiết thực, kịp thời

Huyện Đồng Phú (Bình Phước) có 11 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND cho 123 hộ hội viên vay gần năm tỷ đồng phát triển kinh tế. Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định. Chị Trương Thị Quyên, ấp 5, xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú) là một trong 10 hội viên của Tổ hợp tác trồng nhãn, được vay vốn từ Quỹ HTND do Hội Nông dân huyện giải ngân vào đầu năm 2016. Chị Quyên đầu tư chăm sóc vườn nhãn gần 5 ha. Chị Quyên cho biết, những năm đầu, do canh tác theo phương pháp truyền thống, cây nhãn cho năng suất không cao, thời điểm đó giá lại không ổn định. Trồng nhãn khó khăn nhất là hai năm đầu, khi nhãn chưa cho trái, chi phí lại tốn kém. Học hỏi từ cơ quan khuyến nông và những nhà vườn có kinh nghiệm, chị mạnh dạn áp dụng biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc vườn nhãn. Nhờ vậy, đến nay năng suất 1 ha nhãn của chị đạt từ 17 đến 20 tấn quả, với giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg, chị thu lời khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.

Xã Thanh Lương, thị xã Bình Long có 30 hộ nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân nghèo đã tìm được hướng làm giàu. Thí dụ, gia đình ông Nguyễn Văn Xứng, ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương trước đây trồng nhãn và quýt đường nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cho nên gia đình đã chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình ông được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng. Ông Xứng cho biết: Số tiền được vay, ông mua máy bơm và lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn cây. Nhờ được cung cấp nước đầy đủ, vườn bưởi da xanh phát triển tốt, giảm đáng kể sức lao động. Hiện nay, đã có 100 gốc đang cho thu hoạch và 600 gốc bưởi ba năm tuổi, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Tại ấp 2 của xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, với nguồn vốn được vay từ Quỹ HTND và vay thêm từ các nguồn khác, 10 hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư cải tạo vùng đất bạc màu để phát triển mô hình trồng măng tre Điền Trúc, với chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha. Đây là loại cây trồng thích hợp ở địa phương, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động nhưng lại cho năng suất cao, trung bình mỗi năm thu khoảng 20 tấn/ha. Anh Võ Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết: Do măng tre là thực phẩm sạch, an toàn, chế biến được nhiều món ăn cho nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn, thương lái đến tận vườn mua, với giá dao động từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg măng tươi. Lúc cao điểm lên đến 30 nghìn đồng/kg. Để bán được giá cao hơn, nhiều hộ dân cho măng ra trái vụ bằng cách tưới đủ nước cho cây trong mùa khô. Với giá bán hiện nay, mỗi héc-ta trồng măng tre Điền Trúc mang lại cho người nông dân khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn rất nhiều so với trồng điều hay cao-su.

Để Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nông dân các cấp cần quan tâm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, định hướng về thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có như vậy, Quỹ HTND mới phát huy hiệu quả, tạo động lực cho nhiều hội viên đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.