Bình Phước nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

Bình Phước được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ với diện tích trong quy hoạch ba loại rừng hơn 171 ha, trong đó rừng đặc dụng hơn 31.179 ha, rừng phòng hộ là 43.548 ha và rừng sản xuất là 96.799 ha. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, rừng ở Bình Phước đang đem lại nhiều nguồn lợi, trong đó có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái khi được quy hoạch, đầu tư bài bản.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai tuần tra bảo vệ rừng.
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai tuần tra bảo vệ rừng.

Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng ở Bình Phước đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là khi tỉnh triển khai thực thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Từ đó, các cấp, các ngành của Bình Phước đã đặt ra mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng tập trung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; tập trung phát triển vùng nguyên liệu có quy mô gắn với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ gắn với chế biến theo công nghệ tiên tiến.

Nhờ vậy, tình trạng dân di cư tự do cơ bản được kiểm soát; công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cơ bản đồng bộ, chặt chẽ; ngành lâm nghiệp của tỉnh đã có những thành tựu đáng kể và chuyển biến theo hướng tích cực.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giai đoạn 2017-2022 là 703 vụ, giảm 2.344 vụ so với giai đoạn 2011-2016 (chỉ xảy ra năm vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 3 ha rừng sản xuất); diện tích rừng trồng mới của tỉnh đạt hơn 1.144 ha; đã trồng được 1.363.941 cây phân tán; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 22,66%, tăng 1,07% so với năm 2016.

Ở rừng phòng hộ Đắk Mai có diện tích 6.700 ha, do nằm trải dài trên tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập và có khoảng 80 km tiếp giáp vườn rẫy, khu dân cư nên công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, như: Móc ranh những địa phận giáp với đất của nhân dân, giao khoán cho cộng đồng bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát những điểm nóng.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai cho biết, với hình thái rừng “da beo” lại có nhiều điểm tiếp giáp với vườn rẫy người dân nên rừng Đắk Mai “không có cửa để đóng”. Do đó, ngoài các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ rừng, đơn vị đã móc ranh giới được hơn 40 km để bảo vệ rừng, không cho người dân lấn chiếm. Nếu không phân định ranh giới rõ ràng, mỗi năm người dân lấn khoảng một mét thì chỉ ít năm tới, diện tích đất rừng bị mất lên đến hàng chục héc-ta.

Mặc dù rừng phòng hộ Đắk Mai được xem là vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nhưng đến nay, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những cụm gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ và các loại dược liệu quý vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là diện tích do bộ đội biên phòng bảo vệ. Những ngày đầu năm 2024 cũng là cao điểm mùa khô ở Bình Phước, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Đắc Ơ (Bộ đội Biên phòng Bình Phước) - một trong những đơn vị tham gia bảo vệ rừng Đắk Mai vào thời điểm các chiến sĩ của đồn đang cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và đốt thực bì chủ động để phòng cháy rừng.

Trung tá Nguyễn Tài Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk Ơ (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) cho biết, đơn vị đảm nhiệm bảo vệ hơn 15 km đường biên giới quốc gia, trong đó phần lớn đường biên giới là rừng núi. Thực hiện chủ trương bộ đội biên phòng phối hợp bảo vệ rừng, đơn vị được Ban quản lý rừng Đắk Mai giao khoán 827 ha rừng nằm dọc biên giới. Bảo vệ biên giới gắn với bảo vệ rừng là một trong những giải pháp hiệu quả, khép kín và có sự tương trợ qua lại rất tốt. Nhờ đó 5 năm trở lại đây, rừng được Đồn Biên phòng Đắk Ơ bảo vệ không để xảy ra cháy, 100% diện tích rừng được đơn vị bảo vệ nguyên trạng.

Từ nguồn phí bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng Đắc Ơ đã chủ động đầu tư các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng và bảo vệ chủ quyền biên giới. Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư cho vườn rau với hơn 20 rau xanh trồng trong nhà màng kiên cố; ao cá nằm trên đồi cao quanh năm mực nước trên 3m; ba giếng khoan với hàng chục bồn chứa hơn 100 m3 nước được gắn với hệ thống ống dẫn trải dài 15 km chạy đường biên…, một trong những minh chứng cho lợi ích từ việc bảo vệ rừng mang lại.

Đặc biệt, dọc tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Đắk Ơ quản lý, đơn vị đã xây dựng một hệ thống đèn năng lượng mặt trời, ngoài việc giúp cán bộ, chiến sĩ tuần tra bảo vệ biên giới thuận lợi vào ban đêm, đây còn là công trình thể hiện “ánh sáng chủ quyền” quốc gia.

Và cũng từ nguồn lợi bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng Đắk Ơ đầu tư khu thể dục, thể thao để cho cán bộ, chiến sĩ tập luyện nâng cao sức khỏe; làm tốt công tác dân vận và đối ngoại biên phòng.

Tại Bình Phước, mỗi cánh rừng có những đặc điểm, thế mạnh riêng, như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) rất đa dạng về cảnh quan sinh thái, những cảnh quan thiên nhiên ban tặng như thác Giếng Trời, thác Đak Bô, suối Đak Ka, Hang Dơi, Di tích lịch sử điểm cuối ống dẫn dầu, trảng Bằng Lăng, thác Lưu Ly, thác Đak Rốt.

Để phát huy nguồn lực từ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã thống nhất kết luận về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu cao tầm quan trọng của giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; hoàn thiện và củng cố các phòng, trung tâm về cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái tại các đơn vị chủ rừng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, nguồn nhân lực địa phương. Tuy nhiên, để rừng là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn vẫn cần có sự đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến tour, tuyến hợp lý.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai, rừng Đắk Mai có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái, như: tản bộ dưới tán rừng kết hợp tham quan đường biên, cột mốc biên giới, giao lưu với bộ đội Biên phòng hay du lịch đường sông ngắm những cánh rừng già soi bóng xuống dòng nước trong xanh và các loài chim quý hiếm. Du khách được đắm chìm trong làn nước mát của thác Đắk Mai, một trong những thác nước đẹp nhất ở Bình Phước. Thác Đắk Mai rộng khoảng 50 m, cao 10 m và đặc biệt ở đây có hai “giếng trời” được hình thành bởi lực xoáy của dòng nước. Vào mùa khô, du khách có thể đi dạo trên đỉnh thác, mùa mưa là lúc ngọn thác hùng vĩ nhất.

Tuy nhiên đến nay rừng Đắk Mai cũng như những cánh rừng khác vẫn chưa được ưu tiên nguồn lực để quy hoạch phát triển du lịch một cách bài bản và đồng bộ. Các chủ rừng đang tự làm du lịch trong điều kiện hết sức khó khăn, nhất là nguồn nhân lực mỏng, chưa được đào tạo bài bản.

Hiện tại, du khách đến với các danh lam, thắng cảnh trong khu rừng ở Bình Phước đang được đón tiếp với tâm thế là “người nhà”, có gì ăn nấy. Vì thế, để rừng phát huy thêm giá trị, Bình Phước cần ưu tiên nguồn lực để quy hoạch và phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực bài bản.