Sức hút của học nghề
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em Lê Thị Lệ, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú nhận thấy nghề công nghệ kỹ thuật ô-tô đang dễ kiếm việc làm cộng với niềm đam mê nên em quyết định chọn vào Trường cao đẳng Công nghiệp cao su theo học. Nêu lý do khi chọn ngành học, Lệ cho biết: Ở trường phổ thông từng có nhiều anh, chị học ngành nghề này, nhanh ra trường và dễ xin việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, môi trường học tập tốt, cơ sở vật chất đầy đủ, thầy cô nhiệt tình, quan tâm học sinh nên nhận thấy sự lựa chọn của bản thân là hợp lý. Còn em Mai Ngọc Hoàng, ngụ xã Long Hưng, huyện Phú Riềng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Khi xuất ngũ trở về địa phương, Hoàng quyết định chọn ngành công nghệ kỹ thuật ô-tô tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su. Theo Hoàng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường bảo đảm đầy đủ để học viên học lý thuyết lẫn thực hành, trải nghiệm, thầy cô dày dạn kinh nghiệm nên tiếp thu nhanh.
Trường cao đẳng Công nghiệp cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang đào tạo 21 ngành, nghề; trong đó, 11 nghề trình độ trung cấp, 10 nghề trình độ cao đẳng với quy mô đào tạo 1.500 học sinh, sinh viên năm học 2023-2024.
Chỉ riêng ngành công nghệ kỹ thuật ô-tô đã thu hút hơn 300 học viên/bảy lớp theo học trình độ trung cấp và cao đẳng. Đây là nhóm nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng lớn, có thu nhập cao nên không chỉ có học viên nam mà còn thu hút học viên nữ theo học. Và để học trung cấp, học viên chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở, học cao đẳng với học viên tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tiến sĩ Bùi Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho biết: Hiện trường tập trung vào năm nhóm ngành với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn, gồm: Công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế tài chính-quản trị kinh doanh-ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao và nhóm nghề đặc trưng của trường là công nghệ kỹ thuật cao su. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên hiện có, trường đáp ứng 2.000 học sinh, sinh viên theo học. Theo khảo sát, sau ba tháng tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm hơn 80%, sau sáu tháng đạt 100%.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước tuyển sinh đào tạo khoảng 120.000 lao động, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 20%; học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt hơn 90%. Phấn đấu thu hút 50% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.
Nhiều cơ hội tìm việc làm
Tỉnh Bình Phước đang trên đà phát triển, hiện có 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Vì vậy, ngoài doanh nghiệp tư nhân thì các khu công nghiệp đang rất “khát” lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi năm từ 15.000-20.000 lao động từ phổ thông đến cao đẳng.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước Bảo Trương cho biết: Khi học sinh tốt nghiệp trường nghề sẽ được trung tâm làm cầu nối giới thiệu tìm việc ngay và bảo đảm đầu ra đạt 100%. Theo ông Bảo Trương, các doanh nghiệp hiện nay rất cần lao động có tay nghề từ sơ cấp trở lên, dao động từ 500-700 người/tháng với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng tùy tay nghề và vị trí việc làm.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em Ngô Thanh Vân ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú quyết định chọn hệ trung cấp kỹ thuật công nghệ ô-tô theo học. Thanh Vân cho biết: Em chọn hệ trung cấp kỹ thuật ô-tô vì vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa phù hợp năng lực, sở trường, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Chỉ sau ba năm, Thanh Vân đã có bằng trung cấp nghề kết hợp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và quan trọng hơn là có việc làm ổn định.
Thanh Vân chia sẻ: Thời gian học, em được thực tập tại Hyundai Bình Phước. Sau khi tốt nghiệp, nhà trường giới thiệu chúng em vào làm việc tại Bình Phước Ford trong môi trường thoải mái, năng động, phù hợp với chuyên môn cũng như đam mê, sở thích bản thân. Mới làm việc được một năm nhưng thu nhập của Thanh Vân đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Khoảng bốn năm trước, em Nguyễn Ngọc Tú tốt nghiệp hệ trung cấp kế toán, được Trường cao đẳng Công nghiệp cao su kết nối giới thiệu vào làm kế toán Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú. Ngọc Tú cho biết: Sau bốn năm làm việc, em rất tự tin với ngành mình chọn, đặc biệt mức thu nhập cao hơn so với bản thân dự tính và cảm thấy thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Ngoài ổn định công việc, Tú đang có dự định học liên thông lên đại học để nâng cao trình độ. Cùng với Tú, em Nguyễn Thị Phượng, ngụ xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, sau khi tốt nghiệp lớp cao đẳng kế toán cũng được giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH cao su Thuận Lợi. Phượng cho biết: Thay vì phải vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học vừa tốn kém chi phí đi lại, ăn ở, học ở Trường cao đẳng Công nghiệp cao su có nhiều thuận lợi. Đó là gần nhà, đỡ tốn kém chi phí, sau khi tốt nghiệp được trường giới thiệu vào làm công việc mình yêu thích, gần gia đình, thu nhập ổn định.
Thực tế nhu cầu lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Bình Phước hiện nay và trong tương lai đang rất “khát”. Mọi lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề đều dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp tìm kiếm việc làm phù hợp. Tuy nhiên, công tác giáo dục nghề nghiệp của Bình Phước còn một số khó khăn nhất định, do đó, các ngành chức năng đang quyết tâm thực hiện Kế hoạch số 178-KH/TU ngày 22/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc trường nghề công lập từ bộ máy đến cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, là “chìa khóa” thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Phước. Ngoài ra, thời gian tới, Bình Phước sẽ liên kết với Trường đại học FPT để mở rộng đào tạo. Sau khi được cấp giấy phép hoạt động tại Bình Phước, Trường đại học FPT sẽ chính thức tuyển sinh đào tạo chuyên về công nghệ thông tin.